Theo chuyên gia, với thực tế diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội, khả năng loại bỏ hoàn toàn F0 là rất khó, vì mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng.
Cần có giải pháp lấy mẫu tại nhà cho người ho, sốt
Hà Nội đã bước vào đợt giãn cách xã hội thứ 3 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, một số khu vực đông dân cư trở thành điểm nóng và phải tiến hành phong tỏa như phường Văn Chương, phường Văn Miếu của quận Đống Đa và tòa chung cư HH4C Linh Đàm.
Tín hiệu tích cực là số ca mới mắc phát hiện được trong những ngày gần đây hầu như đều ở mức thấp so với giai đoạn cao điểm. Đáng chú ý, ngày 22/8 vừa qua, thành phố chỉ ghi nhận 20 F0 mới.
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, Thủ đô vẫn là địa bàn có nguy cơ cao, có thể bùng dịch bất cứ lúc nào, vì vậy tuyệt đối không được chủ quan.
Cụ thể, theo phân tích của PGS Hùng, các ca dương tính SARS-CoV-2 tại Hà Nội vẫn đang rải rác trong cộng đồng và phân bố trên diện rộng. Điều này thể hiện qua chiến dịch xét nghiệm sàng lọc diện rộng các đối tượng nguy cơ cao, khu vực nguy cơ cao mà Hà Nội đã và đang thực hiện.
"Mặc dù, lệnh giãn cách xã hội đã được áp dụng trên toàn địa bàn Thủ đô suốt khoảng một tháng nay. Tuy nhiên, người dân, người lao động vẫn ra đường nên nguy cơ lan truyền mầm bệnh vẫn có, chứ không thể ngăn chặn tuyệt đối. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 vẫn ở mức thấp, trong khi đó đặc tính của biến thể Delta lại dễ lây truyền. Vì vậy, chúng ta phải sẵn sàng để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra chứ chưa thể nói rằng dịch đã ổn", PGS Hùng nói.
Cũng theo chuyên gia này, tại các "điểm nóng" như phường Văn Chương, Văn Miếu ở quận Đống Đa, dịch diễn biến phức tạp. Do đó, ngoài việc phong tỏa, lực lượng chức năng cần xét nghiệm triệt để toàn bộ dân cư, thậm chí là xét nghiệm định kì nhiều lần để truy vét triệt để các F0, nhằm nhanh chóng giải quyết những ổ dịch này.
"Qua đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi có thể nhận thấy rằng, tỷ lệ các F0 được phát hiện ở các khu vực phong tỏa hoặc đã có ca bệnh từ trước chiếm đại đa số. Do đó, Hà Nội nên tập trung xét nghiệm ở các khu vực này sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn so với xét nghiệm diện rộng cho toàn dân", PGS Hùng nói.
Một đối tượng khác cần đặc biệt lưu tâm, theo chuyên gia này, chính là người có triệu chứng ho, sốt ở trên toàn địa bàn.
PGS Hùng phân tích: "Nhiều trường hợp người có triệu chứng nghi ngờ được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau khi tự đến bệnh viện làm xét nghiệm. Do đó, bên cạnh cách làm hiện tại, theo tôi, cần có biện pháp để các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ sau khi khai báo y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí tận nhà, để tránh việc họ phải di chuyển đến điểm xét nghiệm như bệnh viện, vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng trong quá trình di chuyển và tiếp xúc".
Người cao tuổi là nhóm cần được ưu tiên tiêm vắc xin hàng đầu
Theo PGS Hùng, từ khuyến cáo của các nhà sản xuất vắc xin Covid-19, cũng như bài học của các nước và gần nhất là thực tế tình hình tại các tỉnh thành dịch diễn biến phức tạp ở phía Nam, đối tượng mắc bệnh nặng và tử vong nhiều nhất thuộc nhóm người cao tuổi và người mắc bệnh lý nền.
Do đó, để giảm tỷ lệ tử vong do dịch, cũng như giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng gây áp lực lên hệ thống y tế, cần ưu tiên tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền. Người càng cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền (không thuộc các trường hợp chống chỉ định mà hãng sản xuất vắc xin khuyến cáo) càng nên được ưu tiên tiêm chủng trước.
Với nhóm đối tượng làm ngành dịch vụ, tiếp xúc với nhiều người như shipper, bảo vệ tòa nhà, theo PGS Hùng, nếu bị nhiễm bệnh thì nguy cơ lây truyền của những trường hợp này ở mức cao, do đi lại, tiếp xúc nhiều.
Tuy nhiên, việc lây truyền có thể phòng ngừa bằng cách thực hiện tốt 5K. Bên cạnh đó, lực lượng này đa số là người trẻ, tỷ lệ diễn biến nặng/tử vong thấp. Do đó, trong bối cảnh nguồn vắc xin hạn chế, vẫn cần ưu tiên nhất cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như đã đề cập.
Không nên đặt mục tiêu đưa ca Covid-19 mới về "0"
Theo PGS Hùng, với thực tế diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội, khả năng loại bỏ hoàn toàn F0 là rất khó, vì mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng.
Do đó, thành phố nên đặt ra mục tiêu kiểm soát tốt các khu vực nhạy cảm: khu vực đông dân cư, bệnh viện, khu công nghiệp,… Làm được điều này, trong trường hợp xuất hiện rải rác các ca bệnh ở nơi có mật độ dân cư thấp thì vẫn có thể xem xét nới lỏng mức độ giãn cách.
"Điều quan trọng nhất là ý thức và trách nhiệm trong phòng ngừa dịch bệnh của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát và xử phạt, kết hợp giãn cách, xét nghiệm mở rộng tại những khu vực có F0, khu vực phong tỏa, đẩy mạnh tầm soát người bệnh ho sốt... Với sự đồng lòng quyết tâm của chính quyền và mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, Hà Nội mới có thể sớm kiểm soát được dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới", PGS Hùng nhấn mạnh.