Chuyên gia cho rằng, việc nâng hạng thị trường là sự chờ đợi từ rất lâu và bất kỳ một nước nào vào WTO cũng đều mong muốn được công nhận.
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Dự kiến, một phiên điều trần ngày 26/7 tới sẽ có quyết định cuối cùng về việc có nâng hạng Việt Nam lên kinh tế thị trường hay không.
Theo Reuters, đại diện Việt Nam tham gia phiên điều trần vừa qua khẳng định, Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ cho việc trở thành một nền kinh tế thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Mỹ xem xét hồ sơ và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đây sẽ là một bước tiến mới làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Điều này sẽ làm thay đổi lớn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khác xa so với khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, gây ra nhiều trở ngại và rào cản trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong |
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc nâng hạng thị trường là sự chờ đợi từ rất lâu và bất kỳ một nước nào vào WTO cũng đều mong muốn được công nhận. Hiện tại có 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Quốc gia có tiếng nói nhất là Mỹ, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì Việt Nam cũng sẽ có cơ hội được nhiều nước khác công nhận trở thành nền kinh tế thị trường. Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề dẫn dắt các nước khác hành động. Khi được công nhận là nền kinh tế thị trường thì Việt Nam sẽ có tất cả các quyền lợi, tư cách trong cộng đồng WTO, đặc biệt là không bị áp các lệnh phân biệt đối xử hoặc điều tra bán phá giá và nhiều quy định khác. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có được quyền lợi tham gia vào các thị trường của các nước thành viên công bằng hơn, nhiều thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Minh Phong nhận định.
>> Đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế năm 2024
Việt Nam sẽ có được những đặc quyền kinh tế gì khi được nâng hạng kinh tế thị trường?
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam sẽ nhận được rất nhiều quyền lợi khi được công nhận là nền kinh tế thị trường.
“Nếu được nâng hạng lên thành nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Một nước xuất khẩu bị xem là phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng. Nước nhập khẩu có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này tạo ra một số bất lợi lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ các nền kinh tế bị xem là phi thị trường. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường cũng phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Bất kỳ mặt hàng xuất khẩu nào có nguy cơ bán phá giá sẽ bị đưa vào danh sách rà soát. Dù việc rà soát có kết quả thế nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động dây chuyền xuất khẩu, tín nhiệm của đối tác cũng như nguy cơ mất cơ hội nhảy vào các thị trường kinh tế lớn”.
Lấy một ví dụ, Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi thuế áp với tôm từ Thái Lan (đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường) chỉ ở mức 5,34%.
Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, năm 2022 đạt 110 tỷ USD, còn năm ngoái, chịu nhiều ảnh hưởng từ "sức khỏe" kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ vẫn đạt 97 tỷ USD. Đà phục hồi xuất khẩu sang Mỹ đang khá tích cực khi 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 34 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%).
Với việc được công nhận là nền kinh tế thị trường thì cán cân xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và các thị trường lớn trên thế giới sẽ còn vượt hơn nữa.
Được nâng hạng lên nền kinh tế thị trường có lợi nhiều cho xuất nhập khẩu. Ảnh minh hoạ |
TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, một điểm tích cực của nền kinh tế thị trường là môi trường đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có được quyền lợi tham gia vào các thị trường của các nước thành viên khác cũng công bằng hơn, nhiều thuận lợi hơn.
“Với cơ chế công bằng và mở rộng của nền kinh tế thị trường, nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam yên tâm hơn, còn Việt Nam cũng sẽ được tham dự vào thế giới một cách bình đẳng. Như tôi đã nói ở trên là một ví dụ, khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt sẽ không chịu cách tính toán bất lợi. Hơn nữa, trong hệ thống kinh tế thị trường, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình sở hữu cùng tham gia, vận động, phát triển trong một cơ chế cạnh tranh bình đẳng, ổn định.
Các doanh nghiệp và cá nhân độc lập tham gia vào hoạt động kinh doanh, quyết định sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và tìm kiếm lợi nhuận. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, quyết định mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính của họ. Điểm rõ ràng khác biệt nhất là kinh tế thị trường khuyến khích sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để thu hút khách hàng, tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Đó là môi trường tự do kinh doanh, lọc yếu giữ lại khỏe mạnh để hội nhập quốc tế”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, để được nâng hạng nền kinh tế thị trường thì Việt Nam phải tuân theo những điều kiện, yêu cầu của Mỹ. Và có thể thị trường trong nước cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ thế giới liên quan đến tự do kinh doanh và quản lý thị trường, bảo vệ môi trường hay do hóa tiền tệ… Tất cả những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, tùy từng mức độ, từng hoạt động có thể bị ảnh hưởng khi thị trường tài chính tiền tệ thế giới biến động mạnh.
Song, nhìn chung thì một nền kinh tế thị trường vẫn mang lại nhiều lợi ích và tích cực trong bối cảnh hội nhập và thắt chặt quan hệ song phương với các quốc gia lớn trên thế giới.
>> 6 nhóm giải pháp có ý nghĩa sống còn với đường sắt đô thị
Mỹ cân nhắc công nhận “kinh tế thị trường” ở Việt Nam
Mỹ mở cuộc điều trần cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế ‘kinh tế thị trường’