Chuyên gia nói gì về việc Tân Hoàng Minh “quay xe” với kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm?

12-01-2022 10:30|Minh Trí

Đối với việc trúng đấu giá cao xong bỏ cọc của Tân Hoàng Minh ở Thủ Thiêm, có khả năng việc đẩy giá khu đất không loại trừ trường hợp có chủ ý, có sắp đặt của một nhóm người nhằm kéo mặt bằng giá chung của cả khu vực đó lên cao.

Ngày 10/12/2021, Công ty TNHH đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (công ty con của Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM).

Lô đất có diện tích gần 10.060m2 được trúng với mức giá kỷ lục là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (tương đương 2,4 tỷ đồng/m2).

Tuy nhiên, vừa qua, Tân Hoàng Minh đã xin đơn đơn phương chấm dứt Hợp đồng đấu giá tài sản lô đất 3 -12 sau đúng 1 tháng diễn ra phiên đấu giá. Điều này đang làm "dậy sóng" dư luận và giới chuyên gia.

Trước động thái bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành BĐS – Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ trên Tiền Phong rằng, lúc này việc nghiên cứu cơ sở lý luận và pháp lý của đấu giá quyền sử dụng đất ở nước ta hết sức quan trọng và cần thiết.

TS. Trần Xuân Lượng phân tích, căn cứ Luật Đất đai 2013 và các văn bản của Chính phủ quy định từ Trung ương ban hành về đấu giá quyền sử dụng đất kết hợp với các quy định pháp lý của UBND từng địa phương, mỗi đơn vị tham gia công tác đấu giá cần tuân thủ các nguyên tắc đấu giá, có trách nhiệm trong phạm vi của mình.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đấu giá quyền sử dụng đất là hoạt động mới ở nước ta nhưng sự xuất hiện của nó đã có những đóng góp quan trọng cho việc tạo lập sự ổn định, minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất.

Nguồn kinh phí thu được từ công tác đấu giá quyền sử dụng đất một phần được đầu tư quay lại chính khi đất đấu giá để xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo đúng chiến lược đô thị hóa của khu vực, một phần thu về ngân sách để đầu tư các cơ sở hạ tầng khác.

“Những vụ đấu giá đất điển hình trong năm 2021 cho thấy, việc tổ chức đấu giá thực sự cần thiết và quan trọng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Đấu giá được mở ra thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thể hiện động thái tin tưởng vào sự phát triển của BĐS trong tương lai nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong đại dịch COVID -19 kéo dài, thị trường BĐS nhiều nơi như đóng băng, cũng diễn ra các hình thức đầu cơ kiếm lời, đầu tư khác nhau, hoặc giá cả thị trường lên xuống/khác biệt giữa nhiều phân khúc thị trường... thì việc đấu giá với những dự án đặc biệt lưu tâm này cho thấy nhiều cái lợi của đấu giá, nhưng tồn tại không ít những bất cập để lại nhiều hệ lụy”, ông Lượng nói.

Cũng theo TS. Trần Xuân Lượng, hiện nay việc đấu giá quyền sử dụng đất cũng còn gặp không ít khó khăn về quy trình, thủ tục thực hiện và còn một số tồn tại trong xác định giá tài sản của các thửa đất, tình trạng đầu cơ đất trong đấu giá vẫn còn xảy ra. Mặt khác, công tác quản lý sử dụng đất sau đấu giá chưa chặt chẽ dẫn đến chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng của người trúng đấu giá, chậm xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt. Công tác quản lý các giao dịch quyền sử dụng đất còn yếu kém….

Ông nói: “Quy định về thời gian và tiền đặt cọc đấu giá khiến nhiều người chỉ trực kiếm lời, sang tay, mà không có ý định thực. Theo quy định, người tham giá đấu giá sẽ chỉ phải đặt cọc từ 5 - 20% giá khởi điểm. Khi tham gia đấu giá, họ không xác định mục tiêu ban đầu là sử dụng đất, mà kỳ vọng lướt sóng để ăn tiền chênh lệnh”.

Đối với việc trúng đấu giá cao xong bỏ cọc của Tân Hoàng Minh ở Thủ Thiêm, ông Trần Xuân Lượng dẫn ý kiến của một số chuyên gia phân tích cho rằng có khả năng việc đẩy giá khu đất không loại trừ trường hợp có chủ ý, có sắp đặt của một nhóm người nhằm kéo mặt bằng giá chung của cả khu vực đó lên cao.

“Nói cách khác, họ chịu chi cao cho một mảnh đất, nhưng bù lại sẽ bán những mảnh đất xung quanh ở mức cao. Cuối cùng mức thu về lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Đây là một chiêu trò thị trường khó được kiểm soát, nhưng nó có sức tạo ra làn sóng rất lớn”, TS. Trần Xuân Lượng nhấn mạnh.

Sắp xét xử 17 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đại biểu Quốc hội: Tân Hoàng Minh nộp khắc phục 8.000 tỷ đồng, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng phải gửi vào kho bạc

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-tan-hoang-minh-quay-xe-voi-ket-qua-trung-dau-gia-dat-thu-thiem-121530.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia nói gì về việc Tân Hoàng Minh “quay xe” với kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH