Chuyên gia Phố Wall: Bong bóng bất động sản thương mại đang đứng trước nguy cơ vỡ trận
Thị trường bất động sản thương mại chưa thể phục hồi vào năm sau, thậm chí chuyên gia kinh tế còn phải nhận định “bong bóng” sắp vỡ.
Khi nào bong bóng bất động sản thương mại vỡ?
Theo thông tin từ trang Fortune, ông Gary Shilling - nhà dự báo huyền thoại của Phố Wall - cảnh báo rằng toàn bộ bất động sản thương mại sắp nổ tung.
"Tôi nghĩ bong bóng lớn nhất hiện nay là bất động sản thương mại. Hàng loạt vụ vỡ nợ đã làm sụp đổ nhiều ngân hàng ở Phố Wall và gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng tôi nghĩ đây chỉ mới là bước khởi đầu”, phân tích của chủ tịch Công ty tư vấn tài chính A. Gary Shilling & Co. Inc.
Theo báo cáo của Công ty bất động sản Cushman & Wakefield, sự sụp đổ của bất động sản thương mại thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực văn phòng, với tỉ lệ trống gấp 1,5 lần so với cuối năm 2019.
Công ty phân tích tài chính Moody's Analytics cho rằng tỉ lệ văn phòng trống đã lên đến 19,2% trong quý 4.
Các nhà kinh tế của Công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade chia sẻ nhận định: “Trong khi một số tài sản như trung tâm mua sắm hoặc bán lẻ đã phần nào lấy lại vị thế sau khi bị thương mại điện tử chiếm thị trường, thì phân khúc văn phòng lại bị ảnh hưởng nặng nề”.
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đã khiến bất động sản thương mại ngày càng thiếu sức hút với nhóm khách hàng tiềm năng.
Các nhà kinh tế khác tin rằng những dấu hiệu trên - cùng với tỉ lệ nợ quá hạn và lãi suất cao đã cho thấy thị trường bất động sản thương mại khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều.
Mặc dù chuyên gia kinh tế Shilling không xác định chính xác thời điểm bong bóng vỡ, nhưng những chuyên gia khác cho rằng nó có thể đến sớm.
Tình hình bất động sản thương mại ở châu Âu
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trong 6 tháng đầu năm nay, số giao dịch bất động sản thương mại tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022. Giá bất động sản cũng giảm mạnh, khi một số chủ sở hữu đã phải giao dịch với mức chiết khấu hơn 30%, cao nhất kể từ năm 2008.
Vết rạn nứt đáng chú ý nhất đang diễn ra tại Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone. Việc lãi suất tăng cao trong thời gian ngắn, đã khiến một số nhà phát triển bất động sản rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, trong khi các thương vụ, dự án xây dựng rơi vào tình trạng đình trệ.
ECB cho biết, mức nợ trung bình của các công ty bất động sản lớn tại châu Âu đã gần bằng, hoặc vượt mức trước khủng hoảng tài chính 2008. Sự gia tăng chi phí đi vay sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với các công ty này trong việc tái cấp vốn. Moody's cũng đã cắt giảm xếp hạng hoặc triển vọng đối với 40% công ty bất động sản châu Âu.
"Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2024, khi số đơn đặt hàng mới ngày càng giảm. Các công ty bất động sản chỉ còn lại các dự án hiện tại, với chi phí cao", ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng, ngân hàng ING, nhận định.
Lĩnh vực bất động sản thương mại hiện chiếm khoảng 10% tổng số khoản vay của ngành ngân hàng Eurozone. ECB cảnh báo, việc các điều kiện tài chính thắt chặt kéo dài trong những năm tới sẽ khiến căng thẳng gia tăng trong lĩnh vực này, "có khả năng khuếch đại đáng kể một kịch bản bất lợi" và "gây tổn thất lớn" cho hệ thống tài chính khu vực.
Dãy biệt phủ xây dựng trái phép, chính quyền không thể xử lý vì "kinh phí đo đạc còn khó khăn"
Hà Nội phản hồi việc cấp sổ đỏ cho loạt chung cư The Legacy, Golden West
Toàn cảnh Công trình Cung thiếu nhi Hà Nội hơn 1.300 tỷ dần rõ hình hài