Chuyện thú vị trong hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ
Trong tọa đàm sáng 12/10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, TS. Phạm Thị Kiều Ly, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Trọng Dương và nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm bàn về câu chuyện chữ viết tiếng Việt và hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ.
Hệ thống thanh điệu đặc biệt
Chữ viết là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại. Trong tọa đàm sáng 12/10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, TS. Phạm Thị Kiều Ly, PGS.TS Trần Trọng Dương và nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm bàn về câu chuyện chữ viết tiếng Việt và hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ.
Tọa đàm xoay quanh hành trình phổ biến chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam năm 1624.
Tọa đàm với chủ đề Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việttổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyễn. |
Năm 1624, Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong. Năm 1627, ông tiếp tục ra Đàng Ngoài truyền giáo. Một số cộng sự của ông, trong đó có giáo sĩ Fontes, quay lại Đàng Ngoài năm 1631.
Trong một báo cáo gửi cho Alexandre de Rhodes, Fontes dùng hai chữ cái "ơ" và "ư" trong bảng chữ cái của thổ ngữ vùng Toscana (Italy) để ghi các âm tương ứng trong tiếng Việt. Vậy là các giáo sĩ khi ấy đã tìm đủ chữ cái để ghi hệ thống nguyên âm. Cũng trong thời gian này, Fontes được tiếp xúc với tiếng Đàng Ngoài có sáu thanh điệu.
TS. Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ - cho biết thách thức của các giáo sĩ khi dùng chữ Latinh để ghi âm tiếng Việt chính là thanh điệu.
"Ở Việt Nam, ban đầu các giáo sĩ chưa tìm đủ phương thức ghi lại thanh điệu. Nguyên nhân là hệ thống nguyên âm tiếng Việt phong phú hơn tiếng Latinh. Phải mất khoảng 20 năm để các giáo sĩ nghiên cứu và hoàn thành việc ghi các thanh điệu", TS Phạm Thị Kiều Ly nói.
Cuốn Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ kể nhiều chuyện thú vị xoay quanh việc sáng tạo và phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt. |
Bà Phạm Thị Kiều Ly kể câu chuyện nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes học tiếng Việt của một em bé 13 tuổi từng được ông ghi lại. Có lần ông nhờ người giúp việc mua cá, nhưng lại nhận được một rổ cà, ông hiểu là mình đã phát âm sai.
Vượt qua những khó khăn đó, Alexandre de Rhodes đã soạn được văn phạm tiếng Việt rồi in cùng với cuốn Từ điển Việt - Bồ - La tại Roma năm 1651.
Sự lựa chọn của lịch sử
Các chuyên gia cũng nói về việc chữ quốc ngữ được cải biên, phổ biến, đón nhận qua năm tháng. Sau những tranh luận về lựa chọn chữ viết (chữ Nho, chữ quốc ngữ hay chữ Pháp), chữ quốc ngữ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các sĩ phu và trí thức tân học người Việt.
Cuốn sách đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ. |
Các chuyên gia khẳng định chữ quốc ngữ được chọn là chữ viết quốc gia của Việt Nam phản ánh tất yếu, là lựa chọn của lịch sử. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về việc học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người.
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương nhấn mạnh thay đổi hệ thống chữ viết là thay đổi nền văn minh, thay đổi ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ của dân tộc. Ảnh: Trung Nguyễn. |
"Từ khi Nhà nước ban hành sắc lệnh về việc học bắt buộc, chữ quốc ngữ chính thức có sinh mệnh mới, được phổ cập nhanh chóng tới người dân thông qua những lớp bình dân học vụ", nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương nói.
Ưu điểm của chữ quốc ngữ là dễ học, dễ nhớ. Người học chỉ cần ba tháng là có thể biết đọc, biết viết, trong khi cần 10 năm để nắm vững chữ Hán theo lối giáo dục cũ.
Ông cũng nhấn mạnh sự thay đổi hệ thống chữ viết là thay đổi nền văn minh, thay đổi ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ của dân tộc. Chữ quốc ngữ và tiếng Việt hiện đại là di sản mới được kiến tạo, gìn giữ.
Kỳ lạ bộ tộc duy nhất Trung Quốc dùng tiếng Việt làm ngôn ngữ giao tiếp, ăn nước mắm, chơi đàn bầu
Chàng Tây làm rể Hà Nội, nói tiếng Việt như gió, kể chuyện hài hước khi đi taxi