CII lập đỉnh 1 năm, triển vọng tăng còn kéo dài?
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tăng 85% thị giá.
Phiên 13/9, CII tiếp đà tăng bất chấp thị trường chung giảm hơn 7 điểm. Diễn biến tích cực này đưa thị giá CII lên vùng đỉnh 1 năm (24.000 đồng/cp), tương ứng tăng 85% so với thời điểm đầu năm 2023.
Trước đó, VietinBank Securities (CTS) đã ra khuyến nghị MUA VÀO cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh khi phân tích kỹ thuật mã này.
Cụ thể, CII ghi nhận chỉ báo MACD diễn biến tích cực từ 31/08/2023 kết hợp cùng với chỉ báo RSI hiện tại có dấu hiệu hồi phục đi lên cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn.Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 1: 25.900 đồng, cao hơn 7% so với giá hiện tại. Ngưỡng giá chốt lời mục tiêu xa hơn là 29.700 đồng, tức lợi nhuận kỳ vọng đạt 23%. Ngưỡng cắt lỗ khi giá đóng cửa dưới 20.500 đồng. Thời gian nắm giữ: 2 – 3 tháng.
Diễn biến liên quan đến CII, ngày 19/9 tới đây, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ tiến hành họp ĐHCĐ bất thường năm 2023. Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ trình cổ đông việc nghiên cứu và đề xuất các dự án BOT theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 do Quốc hội ban hành về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh”. Theo Nghị quyết số 98, TP.Hồ Chí Minh sẽ được cho phép thực hiện đầu tư BOT trên nền đường cũ.
Ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh dự kiến trình cổ đông xem xét danh mục các các dự án BOT dự kiến triển khai công tác nghiên cứu đầu tư với tổng quy mô 75.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật: Dự án Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 (vốn đầu tư 22.000 tỷ đòng); dự án Nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP.Hồ Chí Minh (vốn đầu tư 19.059 tỷ đồng); dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An (vốn đầu tư 11.982 tỷ đồng)…
Theo đánh giá của ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh việc được phép triển khai các dự án BOT trên nền đường hiện hữu sẽ giúp giải quyết được bài toán đền bù giải tỏa vốn là vấn đề khó khăn, phức tạp tại TP.Hồ Chí Minh.
Hiện, CII đang quản lý 7 trạm thu phí BOT với doanh thu trung bình hàng năm đạt 950 – 1.500 tỷ đồng/năm, chiếm 24% tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Trong đó, riêng doanh thu BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đạt doanh thu trung bình 2 tỷ đồng/ngày, chiếm 30% doanh thu từ hoạt động thu phí của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.
Mới đây, SSI Research vừa có cập nhật mới về triển vọng hoạt động kinh doanh của CII. Theo đó, lợi nhuận của CII dự báo ở mức tích cực trong 6 tháng cuối năm nay nhờ mảng thu phí BOT khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hợp nhất vào quý 3/2023.
Theo SSI Research, doanh thu từ hoạt động thu phí của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh trong quý 3/2023 sẽ tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022, với biên lợi nhuận gộp đạt mức 61%.
Tổng quan chung, dòng tiền của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện khi các trạm thu phí BOT đi vào hoạt động ổn định. Dự kiến dòng tiền thu phí trung bình hàng năm của doanh nghiệp này sẽ đạt từ 1.400 – 1.500 tỷ đồng, nhờ các dự án chính như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Xa lộ Hà Nội mở rộng, và Cầu Cổ Chiên. Dự báo lưu lượng xe tại các dự án của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh tăng trung bình 3 – 8%/năm và giá vé tăng từ 9-25% trong giai đoạn 3 - 5 năm tới đây.
Bên cạnh đó, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ghi nhận các bất động sản hiện hữu, chủ yếu từ các dự án kkhu đô thị phía Bắc Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh, như: Lakeview 1,2, D’verano… Dự báo doanh thu của mảng bất động sản trong cả năm nay của doanh nghiệp này sẽ đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 70% so với mức thực hiện của năm 2022, theo SSI Research.
Cổ phiếu đáng chú ý ngày 22/11: VPB, VSC, MWG
Cổ phiếu dầu khí đầu ngành dự kiến tăng mạnh khi Chính phủ mạnh tay dẹp nạn xăng dầu lậu