Có nên cấm xuất cảnh doanh nghiệp chây ì nợ thuế?
Về vấn đề cấm xuất cảnh doanh nghiệp nợ thuế, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.
Giám đốc bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng
Gần đây, chi cục thuế các địa phương trên cả nước liên tục phát đi những thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều chủ doanh nghiệp do nợ thuế. Thậm chí nhiều người nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về sự máy móc của cơ quan quản lý thuế khi số tiền dưới 1 triệu đồng không phải quá lớn.
Giám đốc bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng. |
Vào cuối tháng 5, theo Báo Thanh Niên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP. HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế.
Trong đó có trường hợp của bà L.H.B - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất G.T (Bình Dương). Bà L.H.B bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 với lý do doanh nghiệp mà bà đang đại diện pháp luật nợ thuế 997.222 đồng.
Theo Báo An Ninh Thủ Đô, một số lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Có những trường hợp số tiền nợ thuế không nhiều.
Trong đó, có ông T.T.Q, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu. Doanh nghiệp này bị cưỡng chế số tiền nợ thuế chỉ hơn 10 triệu đồng.
Tương tự, ông D.H.S, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ Sài Gòn Đông Dương, cũng bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 61 triệu đồng.
Hồi tháng 2, giám đốc một công ty tại TP. HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa bao gồm các khoản phạt chậm nộp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng Luật Thuế đã quy định thì mọi người phải tuân thủ, dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ.
“Đây là biện pháp mạnh mẽ để tăng cường thu hồi nợ thuế. Thực ra với mức nợ thuế khoảng 1 triệu đồng, không có gì khó khăn để nộp cả. Việc các lãnh đạo doanh nghiệp không nộp dẫn đến bị cấm xuất cảnh chủ yếu do chủ quan, chây ì”, ông Thịnh nói và nhấn mạnh đây là vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật chứ không phải do doanh nghiệp khó khăn.
Theo ông Thịnh, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Thậm chí trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng đề nghị cấm xuất cảnh.
>>Bị nợ thuế, chủ doanh nghiệp giày thượng đình bị tạm hoãn xuất cảnh
Quy định chủ yếu nhắm vào người đại diện doanh nghiệp chây ỳ
Trong khi đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết quy định cấm xuất cảnh khi nợ thuế là biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thực hiện theo Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020.
Theo ông Minh, quy định này chủ yếu nhắm vào người đại diện doanh nghiệp có khoản nợ ngân sách quá hạn, chây ỳ.
Quy định chủ yếu nhắm vào người đại diện doanh nghiệp chây ỳ |
Cá nhân nằm trong diện bị áp hình thức cưỡng chế chủ yếu là người có ý định định cư nước ngoài, người Việt ở nước ngoài hoặc người nước ngoài nợ thuế trước khi xuất cảnh. Tức là, tạm hoãn xuất cảnh sẽ tập trung vào nhóm có nguy cơ, theo ông Minh.
Lãnh đạo cơ quan thuế cũng cho biết quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên cân nhắc hồ sơ cụ thể từng cá nhân, không áp dụng với tất cả và quy trình thực hiện chặt chẽ. Trong đó, với pháp nhân, cơ quan thuế sẽ gửi quyết định về doanh nghiệp. Còn với cá nhân, họ gửi tin nhắn nhắc khoản nợ quá hạn.
"Ngành thuế tốn nhiều chi phí để thực hiện việc này", ông Minh cho hay, thêm rằng sau khi nhắc nhở, họ sẽ gửi yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh sang cơ quan chức năng.
Hiện, nhà chức trách đã đưa vào sử dụng phần mềm Etax mobile để tra cứu các thông tin về thuế. Ông Minh lưu ý người dân kiểm tra, khai thông tin chính xác để nhận được các thông báo từ cơ quan thuế.
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nhà chức trách không quy định cụ thể ngưỡng nợ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.
Tại thông cáo mới đây, Bộ Tài chính dẫn Luật Quản lý thuế cho biết, nếu quá hạn 30 ngày, cơ quan quản lý thông báo cho người nộp thuế về số tiền nợ, ngày chậm nộp. Người nộp thuế cũng được nộp dần tiền nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.
Để người dân thuận tiện tra cứu thông tin, tại công văn ngày 18/6, Tổng cục Thuế đề nghị các địa phương rà soát thông báo liên quan tới tạm hoãn xuất cảnh, đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Cục thuế.
Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.
Để thu hồi nợ, ngành thuế được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
>>Tạm hoãn xuất cảnh đối với 4 Giám đốc doanh nghiệp tại Bình Định
Một doanh nghiệp dầu khí tại Cần Thơ đứng đầu danh sách, nợ thuế với hơn 760 tỷ đồng
Cấm xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp nợ thuế là giải pháp mạnh mẽ và đúng quy định