Doanh nghiệp

Hạn chế doanh nhân nợ thuế xuất cảnh, cần một chế tài khác

Tư Giang 20/05/2025 - 08:11

Cơ quan thuế các cấp phải ban hành 61.492 thông báo cấm xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng, trong khi số thuế đã thu hồi được chỉ chiếm 4.955 tỷ đồng, hay 1/17 số thuế nợ. Chế tài này không có tác dụng lớn về thu hồi thuế nợ.

Một doanh nhân, khi được hỏi về mong muốn lớn nhất nhân Nghị quyết 68 có tinh thần cải cách chưa từng có, đáp rằng ông mong muốn bỏ quy định “cấm doanh nhân xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế” dù chế tài này vừa mới được sửa cách đây không lâu - Nghị định số 49/2025/NĐ-CP ban hành tháng 2/2025.

Ông nói, quy định này là một điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh khi có hàng chục nghìn CEO đang bị chế tài này, trong khi họ chỉ là người đi làm thuê cho doanh nghiệp.

Một doanh nhân khác cũng đồng tình về việc nên bỏ quy định cấm xuất cảnh doanh nhân. Ông nói rằng, bản thân ông và nhiều doanh nhân khác không thể ra nước ngoài tìm kiếm hợp đồng mới do doanh nghiệp nợ thuế.

Nghị quyết 68 khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu, và đặc biệt hơn đưa ra chủ trương hạn chế xử lý theo hướng hình sự các vụ việc kinh tế, dân sự đã thổi bùng lên niềm tin của giới doanh nhân.

thuế, cục thuế TP HCM, T5 2024 3.jpg
Tính đến nay, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 61.492 thông báo xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng. Ảnh: Thạch Thảo

Việc cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh đã làm dư luận xã hội quan tâm trong suốt năm vừa qua. Các quy định trước đây không đưa ra mức nợ thuế (ngưỡng) bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh. Việc xác định ở ngưỡng nào tùy thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý thuế. Điều này dẫn tới trường hợp, doanh nghiệp chỉ nợ một ngưỡng thuế rất thấp, người đại diện theo pháp luật đã bị tạm hoãn xuất cảnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tháng Hai năm 2025, Nghị định số 49/2025/NĐ-CP được ban hành, quy định cụ thể các ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Theo đó, cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh nếu có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và đã quá hạn nộp trên 120 ngày. Đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, ngưỡng áp dụng là 500 triệu đồng trở lên, cũng với thời gian nợ thuế quá hạn trên 120 ngày. Các cá nhân, doanh nghiệp này đều thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.

Tuần trước, cơ quan thuế cho biết, tính đến nay, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 61.492 thông báo xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã thu hồi được 4.955 tỷ đồng của 7.309 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Ở góc độ quản lý, chế tài này là dễ hiểu khi tình trạng nợ thuế ngày càng gia tăng. Những doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh là điều cần thiết, bởi lo ngại lãnh đạo doanh nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài để xù nợ thuế hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Khi lãnh đạo doanh nghiệp bỏ ra nước ngoài, công ty rơi vào tình trạng vắng chủ, nhiều tài sản đã tẩu tán trong khi nhà xưởng, máy móc đã thế chấp tại ngân hàng khiến cơ quan thuế rất khó đòi nợ thuế của doanh nghiệp.

Song, như ý kiến của hai vị doanh nhân kể trên, cấm doanh nhân nợ thuế xuất cảnh là biện pháp lợi bất cập hại khi họ không còn cơ hội xuất cảnh để tìm kiếm hợp đồng, đối tác, mở rộng cơ hội kinh doanh, tìm kiếm khách hàng. Vô hình chung, doanh nghiệp đã gặp khó khăn thì không thể có cơ hội gượng dậy được.

Trong khi đó, như số liệu trên đã minh chứng, chế tài này không có tác dụng lớn về thu hồi thuế nợ. Cơ quan thuế các cấp phải ban hành 61.492 thông báo xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 83.028 tỷ đồng trong khi số thuế đã thu hồi được chỉ chiếm 4.955 tỷ đồng, hay 1/17 số thuế nợ.

So với quy định trước đây và các quy định trong Nghị định 49 đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng và cụ thể hơn về ngưỡng nợ thuế và thời gian quá hạn. Mức tiền nợ thuế cũng đã được nâng lên đáng kể, góp phần thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Tuy nhiên, mức ngưỡng này vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, vốn mong muốn chỉ áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế cao.

Hiện nay, ngành thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng. Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh và dữ liệu được kết nối hiệu quả, biện pháp trích tiền từ tài khoản trở nên rất khả thi và cần được tập trung triển khai.

Khi biện pháp này được thực hiện hiệu quả, các biện pháp khác như thông báo hóa đơn không còn giá trị hoặc cấm xuất cảnh chỉ nên áp dụng với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, số nợ thuế lớn. Các biện pháp này cũng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng với hành vi nợ thuế, thay vì cấm xuất cảnh – tức là cấm đi lại là một trong những quyền cơ bản.

Nghị quyết 68 đã đưa ra chủ trương yêu cầu tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.

Theo đó, cần sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Nhân dịp Nghị quyết 68 của Đảng được triển khai, liệu đã đến lúc xem xét lại chế tài này để tạo điều kiện cho giới doanh nhân và người dân “làm giàu”, trong khi vẫn có thể có các chế tài khác có hiệu lực, hiệu quả không kém đối với hành vi nợ thuế.

>> Ai đang nợ thuế chú ý, 5 trường hợp sau sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh: Lập tức làm ngay 3 bước

Ai đang nợ thuế chú ý, 5 trường hợp sau sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh: Lập tức làm ngay 3 bước

Doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất Thanh Hóa: Lỗ lũy kế 9.300 tỷ đồng, đang nợ 5.100 tỷ tại VietinBank (CTG)

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/han-che-doanh-nhan-no-thue-xuat-canh-can-mot-che-tai-khac-2402760.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hạn chế doanh nhân nợ thuế xuất cảnh, cần một chế tài khác
    POWERED BY ONECMS & INTECH