Apple đang trên đà đạt được một cột mốc quan trọng, đó là giá trị vốn hóa thị trường của công ty đạt 3.000 tỷ USD.
Tính từ đầu năm 2023, cổ phiếu của Apple đã tăng 39% lên mức 174 USD/cổ phiếu, giúp vốn hóa của hãng tăng thêm gần 690 tỷ USD. Hiện tại, ở mức vốn hóa 2,76 nghìn tỷ USD, Apple lớn hơn cả toàn bộ chỉ số Russell 2000.
Nếu cổ phiếu tiếp tục tăng thêm 10%, nhà sản xuất iPhone sẽ quay trở lại ngưỡng lịch sử: Vốn hóa 3.000 tỷ USD thiết lập được vào tháng 1/2022.
“Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa từng chứng kiến công ty nào có quy mô lớn đến vậy và cũng chưa từng thấy công ty có khả năng thu về dòng tiền mặt tới 100 tỷ USD chỉ trong 1 năm như vậy”, Patrick Burton – Giám đốc quản lý quỹ MainStay Winslow Large Cap Growth, sở hữu gần 4,5 triệu cổ phiếu Apple chia sẻ. “Khi nhìn vào các chỉ số cơ bản, bạn không thể hiểu tại sao Apple lại làm tốt đến vậy”.
Đà tăng của cổ phiếu Apple diễn ra cùng nhịp với các cổ phiếu công nghệ lớn khác, khi nhà đầu tư bị thu hút bởi doanh nghiệp có dòng tiền tốt và tiềm năng tăng trưởng, nhất là dưới áp lực của khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, khủng hoảng ngân hàng khu vực và đàm phán về trần nợ công Mỹ vẫn đang bế tắc.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng chuyển sự chú ý sang cổ phiếu công nghệ vì kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp kết thúc chiến dịch thắt chặt tiền tệ và kỳ vọng vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Vốn hoá của Apple tiến gần tới mức 3.000 tỷ USD |
Apple là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên từng đạt mức vốn hóa trên 3.000 tỷ USD vào tháng 1/2022. Nhưng sau đó hãng đã bước vào đợt lao dốc dài tới 27% khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu công nghệ do lãi suất tăng.
Hiện nhà sản xuất iPhone vẫn là công ty sở hữu vốn hóa lớn nhất thế giới khi tăng thêm gần 670 tỷ USD từ đầu năm. Trong đó, tập đoàn Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett nằm trong số các nhà đầu tư lớn nhất của hãng công nghệ này, sở hữu 5,8% cổ phần trị giá khoảng 160 tỷ USD.
Trong khi đó, Microsoft, Aramco (gã khổng lồ năng lượng Ả-rập Xê-út), Alphabet (công ty mẹ Google) và Amazon nằm trong nhóm công ty có vốn hóa hơn 1.000 tỷ USD.
Kéo dài đà tăng
Có nhiều lý do để tin rằng đà tăng của Apple sẽ còn tiếp tục. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của Apple khá tích cực, cả lợi nhuận và doanh thu của công ty đều vượt dự đoán nhờ vào sự phục hồi với mảng sản phẩm iPhone và tốc độ tăng trưởng với mảng Services. Nhà Táo cũng tuyên bố bố nâng mức chia cổ tức và có kế hoạch mua lại 90 tỷ USD cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, cùng với cam kết mang lại lợi ích cho cổ đông biến Apple và một số công ty công nghệ khổng lồ khác trở thành “tài sản an toàn” trong mắt nhà đầu tư đầu năm nay, trong bối cảnh sự sụp đổ của ngân hàng SVB cùng loạt nhà băng khác dẫn tới cú sốc đối với lĩnh vực ngân hàng trong khu vực.
Theo Sylvia Jablonski, CEO Defiance ETFs, “Apple dường như có khả năng hoạt động tốt trong môi trường nhiều rủi ro. Dù nhà đầu tư không thể kỳ vọng lợi nhuận 20-30% từ cổ phiếu Apple, nhưng thà rót vốn vào đây còn hơn là trái phiếu. Vẫn còn dư địa tăng trưởng ngay cả khi thị trường khó khăn. Việc Apple trả cổ tức hào phóng, mua vào rất nhiều cổ phiếu và có một bảng cân đối tài chính lành mạnh. Tất cả những điều đó là yếu tố thu hút các nhà đầu tư”.
Diễn biến tỷ trọng cổ phiếu Apple trong chỉ số S&P 500 qua các năm |
Tuy nhiên, khi sức ảnh hưởng ngày càng lớn đồng nghĩa với việc cổ phiếu Apple quay đầu giảm sẽ gây ra rủi ro mở rộng cho thị trường. Hiện cổ phiếu Apple chiếm khoảng 7,5% chỉ số S&P 500, mức cao nhất trong vài năm gần đây.
“Với doanh nghiệp hoạt động tốt như Apple, mọi người dường như cảm thấy ông lớn công nghệ này sẽ miễn nhiễm với rủi ro. Hiện tại, chúng tôi nhìn thấy triển vọng tích cực khi rót vốn lớn vào cổ phiếu này, bởi Apple đang có kết quả kinh doanh tốt và chứng tỏ sức chống chịu tốt với rủi ro. Tuy nhiên, nếu Apple chẳng may vấp ngã hoặc nhà đầu tư có cảm giác giá trị của họ đã được định giá quá cao, sẽ có nhiều rủi ro hơn cho thị trường nói chung”, Sal Bruno, giám đốc đầu tư tại IndexIQ cho biết.