Cổ phiếu BSR được định giá bao nhiêu khi chuyển sang niêm yết trên HoSE?
BSR sẽ chính thức chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu sang sàn HoSE, đánh dấu bước ngoặt lịch sử. Nhà máy lọc dầu Dung Quất nâng công suất lên 114% sau sửa chữa, kỳ vọng cải thiện lợi nhuận năm 2025 khi chỉ số crack spread phục hồi và nhu cầu xăng dầu tăng mạnh.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. Công ty hiện chiếm khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Cổ phiếu BSR bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2018 và đến ngày 12/12/2024, sàn HoSE đã chính thức chấp thuận cho đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR, tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của công ty. Sự kiện này không chỉ nâng cao tính minh bạch của BSR mà còn giúp gia tăng sự tiếp cận đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh bạch hóa thông tin tài chính và hoạt động tạo ra niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư, từ đó làm tăng giá trị cổ phiếu của BSR.
Đồng thời, BSR có triển vọng được đưa vào rổ chỉ số VN30 trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất chuyển sàn sang HoSE, nếu đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ free float, thanh khoản, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch và vốn hóa trung bình 12 tháng gần nhất.
Trên thị trường, kết phiên ngày 16/12, BSR có thị giá 22.000 đồng/cp, vốn hóa doanh nghiệp đạt 67.901 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm, dù kết quả kinh doanh suy yếu bởi giá dầu thô giảm và nhà máy phải bảo dưỡng tổng thể trong 50 ngày. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 87.059 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 715 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 89% so với cùng kỳ.
Diễn biến cổ phiếu BSR |
Định giá cổ phiếu BSR
Trong phân tích mới đây, VCBS kỳ vọng kết quả kinh doanh của BSR sẽ cải thiện trong nửa đầu năm 2025.
Cụ thể, sản lượng năm 2024 sẽ giảm tương ứng với 50 ngày bảo dưỡng. Sau bảo dưỡng, nhà máy đã được nâng công suất lên 114% so với thiết kế. BSR sẽ vận hành linh hoạt, đảm bảo hiệu quả tối ưu và có kịch bản nhập dầu thô để vận hành nhà máy với công suất tối đa nhằm tối đa hóa lợi nhuận khi giá dầu thô và crack spread (biên lợi nhuận lọc dầu) cải thiện. BSR đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị cao (như ADO, Jet-A1, PP) và nâng tỷ lệ xăng Mogas 95/Mogas 92 từ 40%/60% theo thiết kế ban đầu lên trên 70%/30%. Công ty tiếp tục triển khai các giải pháp cải tiến để tăng tỷ lệ xăng Mogas 95 nhằm tối ưu cơ cấu sản phẩm.
Bên cạnh đó, crack spread của các sản phẩm xăng dầu đã bắt đầu hồi phục từ đầu quý IV/2024. Thời điểm cuối năm, với mùa lễ hội và cao điểm ngành hàng không, sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ xăng máy bay (Jet-A1) và dầu Diesel (DO).
Nguồn: Chứng khoán DSC |
Về thị trường, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng khi xu hướng chuyển từ xe máy sang ô tô phát triển. Đây là động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu. Xu hướng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi số lượng phương tiện tăng đáng kể, đặc biệt là ô tô, vốn tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn xe máy. Số lượng ô tô và xe máy được dự báo tăng trưởng với tỷ lệ kép hàng năm đạt 18% đối với ô tô và 6% đối với xe máy trong giai đoạn 2023 - 2028. Ngoài ra, sản xuất công nghiệp gia tăng cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu, đặc biệt là dầu nhiên liệu và dầu diesel phục vụ vận tải và máy móc.
BSR đang đầu tư vào Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự kiến vận hành năm 2028, giúp nâng công suất chế biến dầu thô thêm 15% so với hiện tại.
VCBS Research dự báo, năm 2024, BSR sẽ ghi nhận doanh thu 117.138 tỷ đồng và lãi ròng 1.826 tỷ đồng. Sang năm 2025, doanh thu dự kiến đạt 125.429 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 2.946 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 61% so với năm 2024 (điều kiện giá dầu thô đạt trung bình 72 USD/thùng). VCBS định giá BSR ở mức 25.000 đồng/cp bằng phương pháp DCF, tương ứng với vốn hóa 77.500 tỷ đồng.
>> Doanh nghiệp 67.000 tỷ đồng sắp niêm yết sàn HoSE: Kỳ vọng mới cho gần 40.000 cổ đông
Phát Đạt bán hết 92 căn ODV tại dự án Bắc Hà Thanh, thu về hơn 500 tỷ đồng
Kinh Bắc (KBC) thế chấp toàn bộ 12.681 tỷ đồng vốn góp tại Công ty Phát triển Đô thị Tràng Cát