Chứng khoán

Cổ phiếu đỏ sàn, nhóm ông lớn trụ cột rớt đà, lao dốc

Mạnh Hà 01/08/2024 - 16:58

Sự thận trọng, lo ngại rủi ro khiến sức cầu chứng khoán thấp, qua đó khiến VN-Index lao dốc. Nhóm cổ phiếu bất động sản, trong đó có Vinhomes, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng loạt giảm.

Thị trường chứng khoán không ghi nhận thêm tin xấu đáng kể nào, thậm chí kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất vào tháng 9 sáng hơn bao giờ hết, qua đó bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, lực cầu yếu thảm hại khiến những người muốn bán cổ phiếu phải hạ giá, dẫn tới cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành giảm nhanh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng hiếm hoi, với sự bứt phá của "ông lớn" Vietcombank (VCB) cũng không giúp nhiều cho TTCK. Chỉ số VN-Index giảm 22,35 điểm (-1,8%) xuống 1.229,16 điểm khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ buổi chiều.

Chốt phiên giao dịch đầu tháng 8, VN-Index giảm 24,55 điểm (-2%), xuống 1.226,96.

Kết thúc phiên giao dịch 1/8, trong 30 cổ phiếu trụ cột nhóm VN30, có 28 mã giảm giá, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BCM) giảm sàn xuống 67.900 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, tài chính, công nghệ, bán lẻ,... đều giảm mạnh.

Ngoài BCM giảm sàn -7% xuống 67.900 đồng. Theo sau là GVR -4,9% xuống 31.400 đồng, SSI -4,7% xuống 30.300 đồng, MBB -4,1% xuống 23.000 đồng.

Các mã VRE, POW, SHB, VIB, VPB, ACB, TPB, MWG, FPT, MSN, STB đều nới đà đi xuống, mất từ 2,2% đến 3,3%.

Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khá mạnh trong phiên chiều, trước khi bớt giảm vào cuối phiên. Vinhomes (VHM) giảm 250 đồng xuống 36.450 đồng/cp; Vingroup (VIC) giảm 200 đồng xuống 42.100 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) giảm 400 đồng xuống 18.200 đồng.

Đa số cổ phiếu ngân hàng giảm giá, ngoại trừ ông lớn Vietcombank tăng 1.500 đồng lên 90.700 đồng/cp và SeABank (SSB) của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga tăng 150 đồng, lên 21.950 đồng/cp.

Có thể thấy, thị trường diễn biến khá phức tạp, giảm mạnh với sự thận trọng của những người mua. TTCK giảm dù không có bất kỳ thông tin xấu đột ngột nào, thậm chí đêm qua chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu khá rõ ràng về việc giảm lãi suất trong tháng 9.

Điểm nổi bật của phiên giao dịch đầu tháng chính là sự suy yếu đột ngột của lực cầu vào cuối phiên sáng và nửa đầu phiên chiều. Cầu bắt đáy chỉ tăng khi VN-Index lao dốc mất 25-27 điểm. Dù vậy, nhìn chung chênh lệch mua bán vẫn khá lớn. Đây là lý do khiến các cổ phiếu giảm trên diện rộng.

Điều đáng nói là sự sụt giảm về thanh khoản trên TTCK trong nhiều phiên gần đây, khiến những người lạc quan nhất cũng tỏ ra lo lắng. Nhiều người cho rằng rủi ro “vào hàng” ở thời điểm này là rất lớn, chọn đúng cổ phiếu thì lãi nhỏ nhưng sai thì lỗ to.

Do vậy, không ít nhà đầu tư cho biết họ đợi qua thời điểm căng thẳng rồi mới ra quyết định, để có thể yên tâm và an toàn hơn.

ck2024Aug1.gif
Cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 đồng loạt giảm, VN-Index lao dốc. Ảnh: FPTS

Trên thực tế, những số liệu kinh tế gần đây khá tích cực, thặng dư thương mại rất cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn vào mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì phần xuất siêu chủ yếu nhờ khối FDI, trong khi đó lượng tiền khối ngoại rút ra trên TTCK từ đầu năm đến nay rất lớn.

Thực tế, khối ngoại bán mạnh hơn 2 tỷ USD giá trị cổ phiếu trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, các tổ chức và công ty chứng khoán trong nước có dấu hiệu mua vào ít, khá thận trọng với hoạt động đầu tư chứng khoán. Nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng rất dè dặt.

Nếu những tháng đầu năm, khối ngoại bán cổ phiếu Việt có thể rút tiền chuyển sang đồng USD để hưởng lãi suất cao hơn cũng như phòng tránh đồng VND trượt giá, thì giờ nỗi lo về rủi ro tỷ giá USD/VND vẫn còn khi Việt Nam vào đợt tăng lương mới. Hơn thế, dòng tiền có xu hướng tìm tới kênh ngân hàng, khi lãi suất tiền gửi nhích lên.

Triển vọng dòng tiền vào TTCK dường như cũng không tươi sáng, khi margin cho vay tại các công ty chứng khoán lên mức cao kỷ lục, nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức thấp.

Một số chuyên gia cho rằng, lượng tiền cho vay cầm cố chứng khoán có thể liên quan đến các giao dịch cổ đông lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thỏa thuận, trong đó có từ việc một số nhà đầu tư nước ngoài đã bán.

Ngành ngân hàng được xem là tích cực nhất do "nước lên thì thuyền lên", lãi suất lên thì cho vay tăng theo. Thậm chí, trước đó lãi suất huy động thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, NIM tăng vọt. Dù vậy, khi doanh nghiệp gặp khó, các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nợ xấu có thể tăng trở lại. Ngoài ra, các ngân hàng cũng chịu áp lực phải kéo lãi suất cho vay xuống theo yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

USD giảm trên toàn cầu có thể khiến tỷ giá USD/VND bớt căng thẳng, nhưng nỗi lo nằm ở vấn đề khác.

Kết quả kinh doanh quý III/2024 đã có gần hết. Các nhà đầu tư có thể lo ngại về một khoảng thời gian vắng thông tin hỗ trợ và một “tháng cô hồn” sắp tới. Trong bối cảnh đó, thị trường đối mặt với rủi ro tin xấu xuất hiện bất ngờ.

>> VN-Index ‘cắm đầu’ giảm 28 điểm, một cổ phiếu VN30 ‘thủng đáy’ lịch sử

Ngân hàng Việt đầu tiên cán mốc 2,5 triệu tỷ đồng tổng tài sản, cao nhất lịch sử

'Ông trùm' KCN phía Bắc: Lợi nhuận sụt giảm 87%, cầm lượng tiền mặt lớn hơn vốn chủ sở hữu nhiều ngân hàng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/co-phieu-do-san-nhom-ong-lon-tru-cot-rot-da-lao-doc-2307699.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu đỏ sàn, nhóm ông lớn trụ cột rớt đà, lao dốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH