Chuyên gia kinh tế: TTCK đang ẩn chứa ‘bong bóng’ cực kỳ nguy hiểm, có khả năng ‘lây lan’ khắp ngành tài chính
Nhà kinh tế học Dambisa Moyo cảnh báo về tình trạng cổ phiếu được định giá quá cao do sự hưng phấn với trí tuệ nhân tạo.
Thị trường chứng khoán có thể đang ẩn chứa một trong những loại bong bóng nợ nguy hiểm nhất, gây ra những tổn thất có nguy cơ lan rộng khắp ngành tài chính, theo một nhà kinh tế học và nhà đầu tư kỳ cựu.
Trong một bài viết gần đây, Dambisa Moyo — một nhà kinh tế, cựu nhân viên của Goldman Sachs và hiện là Giám đốc của Versaca Investments — đã chỉ ra nỗi lo ngày càng tăng rằng thị trường chứng khoán đang bị định giá quá cao. Sự nhiệt tình của phố Wall đối với trí tuệ nhân tạo đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trong năm nay, đẩy cả ba chỉ số chứng khoán chính lên mức kỷ lục mới.
"Dấu hiệu bong bóng nổi lên trên thị trường tài chính rất rõ ràng", Moyo viết. "Những xu hướng như vậy chắc chắn biện minh cho những lo ngại về bong bóng chứng khoán mới".
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là Mỹ có thể đang chứng kiến một trong những loại bong bóng có vấn đề nhất, được thúc đẩy bởi các tài sản vay mượn và "không sinh lợi", Moyo cho biết. Những tài sản đó gây hại cho nền kinh tế nhiều hơn là các tài sản sinh lợi hoặc tài sản được tài trợ bằng tiền mặt hoặc vốn chủ sở hữu, nơi mà tổn thất mà các nhà đầu tư trực tiếp phải chịu sẽ hạn chế hơn.
Bà nói thêm rằng ví dụ "tốt nhất" về loại bong bóng này là cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn, khi nguồn cung nhà ở dư thừa và các hoạt động cho vay rủi ro xảy ra xung đột, khiến giá nhà giảm mạnh một phần ba.
Hầu hết các nhà kinh tế không thấy một kịch bản như vậy xảy ra ngày nay, nhờ các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng nhiều công ty có tỷ lệ vay nợ cao và không sinh lợi dường như được tài trợ bởi hệ thống ngân hàng ngầm, nơi có ít sự giám sát quy định về việc vay nợ, Moyo cho biết.
Khó khăn đang gia tăng trong một số công ty nợ nần và thua lỗ nhất. Theo dữ liệu của S&P Global, tình trạng phá sản doanh nghiệp hiện đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch, với số đơn xin phá sản tăng lên 346 vào tháng 6.
Moyo cho biết thêm rằng tổn thất từ các công ty gặp khó khăn cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của thị trường.
"Trong khi khoản lỗ của một người sử dụng tiền tiết kiệm tích lũy chỉ có tác động hạn chế đến nền kinh tế nói chung thì khoản lỗ từ ‘tiền vay’, đặc biệt là với đòn bẩy cao, có thể lây lan”, bà nói. “Một hệ thống có tầm nhìn thấp về nguồn vốn là một hệ thống rủi ro. Sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các tài sản không sinh lợi, có đòn bẩy là rất quan trọng để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính", bà nói.
Các chuyên gia phố Wall khác đã bày tỏ lo ngại về cổ phiếu và nợ doanh nghiệp ngày càng tăng , đặc biệt là khi xét đến mức định giá cao ngất ngưởng trên thị trường. Theo một thước đo định giá, cổ phiếu có vẻ như đang được định giá cao nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt qua mức được ghi nhận vào năm 1929.
Theo Business Insider