CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (Mã DST - HNX) vừa thông báo ngày không còn là cổ đông lớn của một cổ đông cá nhân.
Cụ thể, bà Cao Thị Xuân Thu vừa thực hiện bán ra 1 triệu cổ phiếu DST qua đó giảm lượng sở hữu từ 2.376.000 cổ phiếu (tỷ lệ 7,37%) về 1.376.000 cổ phiếu (tỷ lệ 4,27%).
Ngày không còn là cổ đông lớn là 22/11/2022.
Trong ngày vị cổ đông này bán giảm lượng sở hữu, cổ phiếu DST bất ngờ giảm mạnh 4,55% về còn 4.200 đồng qua đó ngắt chuỗi 4 phiên tăng mạnh 32% trước đó.
Tạm tính bà Thu đã thu về 4,2 tỷ đồng sau bán ra.
Tính từ mức 9.500 đồng hồi nửa cuối tháng 8/2022 tới nay, cổ phiếu DST đã liên tục lao dốc và hiện đã giảm tới 56% thị giá. Nếu tính từ mức 12.200 đồng tại thời điểm đầu năm, mã đã giảm gần 66%.
Lên HNX từ ngày 16/10/2007 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiền là 68.200 đồng và đạt đỉnh 81.000 chỉ sau đó 2 phiên, đến cuối năm 2019, cổ phiếu DST chỉ còn mức 800 đồng thị giá. So với giá cách đây 15 năm, hiện cổ phiếu DST đã mất tới 94% giá trị.
Diễn biến bất ổn của cổ phiếu DST nhiều năm qua được cho là đến từ thực trạng kinh doanh trồi sụt của doanh nghiệp này trong cùng thời điểm khi kể từ năm 2016 trở về trước, doanh thu của Sao Thăng Long chỉ ở mức vài chục tỷ đồng trong khi lợi nhuận thu về hoặc lãi vài trăm triệu hoặc lỗ vài trăm triệu/năm.
Về kết quả kinh doanh, quý 3/2022, Đầu tư Sao Thăng Long ghi nhận doanh thu giảm mạnh còn hơn 3,8 tỷ đồng song nhờ doanh thu tài chính vẫn ở mức cao với 12,2 tỷ nên lãi sau thuế của công ty vẫn đạt 7,5 tỷ đồng. Dù vậy, đây là mức lãi thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ mức 25,7 tỷ đồng hồi quý 4/2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, DST báo doanh thu chỉ 11,7 tỷ đồng - tương ứng chưa đầy 5% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nhờ ghi nhận tới 57 tỷ đồng doanh thu tài chính - gấp 7,8 lần cùng kỳ nên công ty vẫn báo lãi ròng gần 30,8 tỷ.
Mặc dù vậy, sau 3 quý, Đầu tư Sao Thăng Long mới chỉ thực hiện được 23,6% chỉ tiêu lãi cả năm.
CTCP Đầu tư Sao Thăng Long tiền thân là CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định. Sau quá trình tái cấu trúc năm 2021, MST trở thành công ty mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong các hoạt động M&A bất động sản thương mại, bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, đầu tư tài chính.
Phía công ty cho biết, mảng đầu tư tài chính và M&A sẽ là hoạt động lõi của DST trong tương lai và hứa hẹn mang lại nhiều tài sản có giá trị, tăng khả năng sinh lời lớn cho doanh nghiệp.
Còn nhớ hồi tháng 3/2022, ĐHCĐ DST đã thông qua kế hoạch thực hiện M&A CTCP Du lịch sinh thái Kim Lan với lưu ý trong trường hợp thương vụ này thành công, DST sẽ tăng quy mô vốn lên 1.530 tỷ đồng qua đó tiếp quản và triển khai 3 dự án bất động sản mà Kim Lan đang làm chủ đầu tư.
Cuối tháng 5/2022, Đầu tư Sao Thăng Long đã thông qua phương án phát hành 115 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số tiền huy động sẽ được DST dùng để mua lại cổ phần của các cổ đông tại CTCP Du lịch sinh thái Kim Lan trong đó từ ông Nguyễn Quốc Đạt là 600 tỷ đồng và Phạm Phan Anh là 550 tỷ.
Tuy nhiên đến cuối tháng 9/2022, HĐQT công ty đã thông qua chi tiết phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ; số lượng cổ phiếu chỉ còn 67,5 triệu cổ phiếu; mục đích chào bán là huy động vốn để nhận chuyển nhượng dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ (giá nhận chuyển nhượng cả lô là 108,75 tỷ đồng - tương đương 17,6% vốn của Chợ Mơ). Phía công ty cũng không còn nhắc đến CTCP Du lịch sinh thái Kim Lan nữa.