Đầu tháng 6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 cơ sở y tế đủ điều kiện nhập khẩu và bảo quản vắc xin Covid-19, khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết đồng loạt khởi sắc, trong đó không ít mã tăng kịch biên độ nhiều phiên liên tiếp.
Tuy nhiên, đà tăng này cũng không kéo dài lâu, thị giá cổ phiếu nhanh chóng quay đầu giảm về vạch xuất phát.
Còn nhớ, tại thời điểm đầu “năm Covid-19 thứ nhất”, nhóm cổ phiếu ngành dược cũng nổi lên như một hiện tượng, các nhà đầu tư hô hào mua vào cổ phiếu này với kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế sẽ tăng lên, nhưng mức tăng này cũng nhanh chóng “xì hơi”.
Nhìn vào diễn biến trên có thể thấy, việc đầu tư vào cổ phiếu ngành dược cần nhiều hơn một vài thông tin hỗ trợ. Theo đó, các nhà đầu tư cần sự kiên nhẫn và trông chờ nhiều vào các câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.
Thực tế, phần lớn nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất dược phẩm; giá thành tăng cao so với cùng kỳ dẫn đến giá vốn tăng cao, từ đó tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dược trong nước.
Tuy nhiên, về dài hạn, ngành dược Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển, trong bối cảnh ngành dược thế giới đang bước vào giai đoạn bão hòa.
Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD. Fitch Solution dự báo tăng trưởng ngành dược Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt mức 8,7%. Còn hãng nghiên cứu thị trường IBM cho rằng, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, quy mô thị trường tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Phú Hưng, dù hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng trong dài hạn, kênh ETC vẫn sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành dược nhờ xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng nhanh. Độ bao phủ BHXH toàn dân lớn và sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện.
Cùng với đó là sự “lên hương” của kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn) khi không còn bị ràng buộc về Luật Đấu thầu. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến nghiên cứu và phát triển (R&D) và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.