Cổ phiếu mía đường: 'Ngọt ngào' trở lại

16-08-2021 14:25|Như Nguyễn (Tổng hợp)

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ngành mía đường đều đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) niên độ 2020 – 2021 (bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm nay – trùng với vụ mía) với nhiều kết quả khả quan.

Bên cạnh việc đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong niên độ tài chính vừa qua, các doanh nghiệp ngành mía đường còn đón nhận một tin vui khác là Bộ Công thương chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021 với thời hạn áp dụng là 5 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), quyết định này đối với ngành mía đường Việt Nam là một "tia sáng bình minh", báo hiệu cho giai đoạn mới, là mốc lịch sử của ngành.

Các đơn vị phân tích của nhiều công ty chứng khoán cũng đều đưa ra nhận định, việc áp thuế nói trên sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước hồi phục trở lại sau khi chịu cạnh tranh về giá từ đường Thái Lan từ đó tăng lại sản lượng sản xuất và thu hẹp lại khoảng cách giá đường thế giới và Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tăng được giá trị xuất khẩu đường vào thị trường Trung Quốc trong năm nay do quốc gia này đang thiếu hụt vùng nguyên liệu đường nên phải nhập khẩu đường của nước ta.

Những thông tin này đã góp phần giúp nhóm cổ phiếu ngành mía đường bùng nổ cả về thị giá lẫn thanh khoản trong thời gian gần đây và là một trong số ít các ngành thu hút được dòng tiền trong giai đoạn “đen tối” của thị trường hồi tháng 7 vừa qua.

Theo đó, có mức tăng ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu KTS và QNS với mức tăng lần lượt là 27% và 18,7% kể từ đầu tháng 6 tới nay. Tương tự, cổ phiếu LSS cũng tăng 16%, SLS tăng 12,5%, SBT dù là “ông lớn” nhưng lại có mức tăng thấp nhất là 4,14%.

Dù đang được đánh giá là có triển vọng tươi sáng trong giai đoạn tới nhưng vẫn có vấn đề các nhà đầu tư cần phải quan tâm đối với các doanh nghiệp ngành mía đường, đó chính là tình trạng đường Thái Lan lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng cách mượn xuất xứ các nước trong khối ASEAN để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Từ đây, đường nhập lậu sẽ tiếp tục lũng đoạn giá, đường sản xuất trong nước vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp và nông dân tiếp tục gặp khó khăn.

"Việc áp thuế này là sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, mới chỉ đưa ngành mía đường Việt Nam về điều kiện công bằng, trong khi bản chất gian lận thương mại là khi chúng bị ngăn lại thì lại lẩn tránh bằng cách khác", Quyền Tổng Thư ký VSSA chia sẻ.

Những vấn đề này có thể sẽ là trở ngại thu hẹp dòng chảy của nguồn tiền trên thị trường chứng khoán vào doanh nghiệp ngành mía đường.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-mia-duong-ngot-ngao-tro-lai-120404.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu mía đường: 'Ngọt ngào' trở lại
    POWERED BY ONECMS & INTECH