Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, đà tăng mạnh như 6 tháng đầu năm 2021 sẽ khó lặp lại do nền cao của cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tăng trưởng của nhóm này sẽ chậm lại trong quý III/2021.
Tại chương trình “Ngành ngân hàng - Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” sáng 28/7/2021, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư – CTCP Chứng khoán SSI cho biết, có cả yếu tố khách quan và chủ quan dẫn đến sự tăng trưởng mạnh của ngân hàng trong nửa đầu năm 2021.
Về nguyên nhân khách quan, nửa đầu năm ngoái là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và lúc này ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Do nền cơ sở nửa đầu năm ngoái thấp nên đầu năm nay các ngân hàng đồng loạt ghi nhận tăng trưởng cao. Hơn nữa, ngân hàng cũng được lợi khi lãi suất giảm liên tục và duy trì ở mức thấp thời gian dài.
Với yếu tố chủ quan, đầu tiên là khả năng quản trị rủi ro của các nhà băng thời điểm này đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, có thể phòng thủ trước các rủi ro phát sinh. Thứ hai là thu nhập hoạt động cao hơn nhưng chi phí quản lý thấp hơn, tỷ lệ CIR của ngân hàng giảm giúp lợi nhuận tăng mạnh. Thứ ba là câu chuyện ngân hàng ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng, như trái phiếu, bảo hiểm, hay liên quan đến thanh toán thẻ, giúp nguồn thu của ngân hàng cũng đa dạng hơn.
Chuyên gia SSI cho rằng khi lựa chọn cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc đến các chỉ số quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng gồm ROE (tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu), CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) và NIM (biên lãi ròng).
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank cho biết, 2 chỉ số P/E và P/B có thể giúp nhà đầu tư quyết định tương đối nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng nào.
Ông Hưng lưu ý, phân tích về ngân hàng tương đối khác với các doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh thu của doanh nghiệp bao gồm giá vốn, nhưng với ngân hàng là phần lãi sinh ra thêm từ cho vay và các phần thu khác của ngân hàng cũng gần như là thu net,... Do đó, cách tính book value (giá trị sổ sách), cách tính lợi nhuận của ngân hàng cũng rất khác với doanh nghiệp.
Đánh giá về bức tranh ngân hàng nửa cuối năm 2021, bà Phương dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại do nền so sánh không còn thấp như nửa đầu năm. Tuy nhiên, nhìn sang năm 2022, ước tính lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng khoảng 21%, cao hơn so với các công ty niêm yết.
Chuyên gia của SSI cho rằng, diễn biến cổ phiếu trong nửa cuối năm sẽ có sự phân hoá và nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở những ngân hàng có khả năng duy trì tăng trưởng tốt, có câu chuyện tăng vốn riêng cũng là động lực để nhà băng đó tăng trưởng dài hạn, không chỉ năm nay mà cả năm sau nữa.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc TPBank cho rằng, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp và tác động tới từng ngân hàng sẽ có sự khác biệt do phân khúc hướng tới khác nhau. Ông Hưng cho biết, dự báo những khách hàng cá nhân sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong đợt dịch này do nhiều người lao động bị mất thu nhập. Do đó, những phân khúc khách hàng thu nhập thấp, chẳng hạn như cho vay tín chấp sẽ bị tác động mạnh; phân khúc cho vay nhà đất, ô tô cũng bị ảnh hưởng nhưng mức độ có thể ít hơn.
Ông Nguyễn Hưng đánh giá, lợi nhuận quý III/2021 của các ngân hàng sẽ chậm lại nhưng quý IV có thể phục hồi nếu dịch bệnh có thể lui bớt trong tháng 7 tháng 8.
Trước đó, trong năm 2020, lợi nhuận ngân hàng các quý II - III đều lình xình nhưng đã bùng nổ trong quý IV qua đó bù lại giai đoạn thoái trào do dịch trước đó.
"Chúng ta bình tĩnh hơn nhiều so với trước nên chúng tôi cũng kỳ vọng quý IV/2021 sẽ có phục hồi tốt hơn", CEO TPBank nói.
Chờ cơ hội từ các đợt tăng vốn
Kết quý II/2021, hàng loạt nhà băng đã báo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong đó VCB, TCB và CTG là những đầu đầu báo lợi nhuận khủng.
Xem "Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng quý II/2021" tại đây
Có thể thấy, ngân hàng lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng trưởng tín dụng và tăng tổng tài sản, nên thực hiện càng sớm càng tốt. Đây cũng là động lực cho giá cổ phiếu ngân hàng được các chuyên gia khuyến nghị.
Câu hỏi được hỏi nhiều nhất về cổ phiếu trong giai đoạn vừa qua là, quý II có phải là quý đỉnh về lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng hay không? Vì vậy, giá cổ phiếu phải chăng phản ánh tương tự - đang là đỉnh.
các chuyên gia của SSI ước tính tổng số vốn tăng thêm từ các đợt phát hành của ngân hàng là 82.000 tỷ đồng trong năm 2021, tương ứng tăng 31% so với cùng kỳ.
Theo ông Hưng, phần lớn ngân hàng cổ phần Việt Nam có hệ số đủ vốn CAR chỉ 9%, chưa kể một số ngân hàng có vốn nhà nước thậm chí thấp hơn, vì tăng vốn còn khó hơn do nhiều cơ chế khác điều tiết. Vậy với yêu cầu tối thiểu đạt 8% thì không còn nhiều dư địa, mà mỗi ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro (như dư nợ hoặc danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, hay danh mục có rủi ro khác) thì đỏi hỏi lượng vốn tự có tăng lên tương ứng.
Nếu tiến tới Basel III thì thậm chí tỷ lệ vốn cao hơn - tăng thêm 2,5% so với trước trong đó yêu cầu vốn cấp 1 cơ bản hoặc vốn cấp 1 thông thường – tức vốn tự có của ngân hàng, đều phải cao hơn.
Theo đó, ông Hưng cho biết, ngân hàng lúc nào cũng trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có cơ hội tăng tín dụng và tăng tổng tài sản. Chỉ khi ngân hàng có quy mô lớn, có vốn tự có lớn thì mới có sức chống chịu trước biến động, rủi ro thị trường lớn và có cơ hội tăng trưởng. Các ngân hàng phải đầu tư vào các danh mục về tín dụng, về cho vay thì mới có thu nhập, tăng lợi nhuận, từ đó có cổ tức trả cổ đông. Cổ đông dĩ nhiên luôn muốn đầu tư vào danh mục có cổ tức cao nhất. Luôn luôn trong vòng quay như vậy, đòi hỏi ngân hàng phải luôn quản trị một cách rất hiệu quả nhưng yêu cầu tăng vốn lúc nào cũng bức thiết với ngân hàng.