Tất cả nhóm doanh nghiệp phân bón - hóa chất niêm yết đều báo lãi trong quý 2/2021, trong đó có 3 đơn vị tăng lãi bằng lần. Song song đó, không ít mã cổ phiếu trong ngành đã bất ngờ tăng tốc giai đoạn gần đây, điển hình như DPM, DCM, DGC hay CSV…
Đối với những doanh nghiệp phân bón - hóa chất thì dầu khí và chế phẩm từ dầu khí là những nguyên liệu đầu vào quan trọng, tác động đáng kể đến giá vốn cũng như hiệu quả kinh doanh. Trong quý 2 vừa qua, giá dầu thế giới (dầu WTI) tiếp tục leo khoảng 25% lên trên 73 USD/thùng vào cuối tháng 6 là một yếu tố bất lợi.
Tuy nhiên, trước nhu cầu tiêu thụ và mặt bằng giá bán các sản phẩm đều ghi nhận gia tăng mạnh trong kỳ, đặc biệt là giá phân bón đạt mức cao kỷ lục, cho nên kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phân bón - hóa chất vẫn rất tích cực.
Theo dữ liệu Vietstock cho thấy, 14 doanh nghiệp phân bón – hóa chất niêm yết trong quý 2/2021 đã tạo ra tổng cộng 13,664 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so cùng kỳ; lãi ròng tăng 55%, đạt 1,490 tỷ đồng. Toàn bộ nhóm đều báo lãi, trong đó 11 đơn vị báo lãi tăng, 2 đơn vị báo lãi giảm và 1 đơn vị chuyển lỗ thành lãi.
Nắm tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất quý vừa qua chính là ông lớn Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM). DPM đã đem về 2,931 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so cùng kỳ. Do giá vốn tăng chậm hơn, lãi gộp tăng trưởng 65%, đạt 940 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 26% (quý 2/2020) lên 32% trong quý 2 năm nay. Nhờ đó, lãi ròng quý 2/2021 của DPM đạt 684 tỷ đồng, tăng 126% (gấp 2.3 lần) so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DPM đạt 4,877 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so cùng kỳ. Lãi ròng đem về 855 tỷ đồng, tăng trưởng 110% (gấp 2.1 lần). So với kế hoạch đề ra cho cả năm, Công ty đã hoàn thành 59% về doanh thu và vượt 139% chỉ tiêu lợi nhuận chỉ sau 6 tháng.
Trong nửa đầu năm, DPM còn ghi nhận đà tăng trưởng đáng kể của mảng hóa chất, với doanh thu tăng khoảng 70% và lợi nhuận gần gấp 4 lần so cùng kỳ năm trước. Diễn biến tích cực của mảng hóa chất đến từ việc giá bán nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó chủ yếu là giá Ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây.
2 doanh nghiệp tăng lãi bằng lần trong quý 2/2021 còn có Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (HNX: PCE) và CTCP Phân lân Nung chảy Văn Điển (HOSE: VAF). Nhờ doanh thu tăng 29% và 39% so cùng kỳ, PCE và VAF báo lãi ròng quý 2 gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 10 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.
Giá phân bón lên mức kỷ lục trong quý 2/2021 rõ ràng là động lực của các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh phân bón. Các đại diện khác như DCM, BFC hay LAS đều chứng kiến doanh thu tăng trưởng 2 chữ số. Với Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS), Công ty còn tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính, theo đó chuyển lỗ sang có lãi 28 tỷ đồng trong quý 2 năm nay.
Kinh doanh hóa chất tiếp đà tăng trưởng
Nhóm doanh nghiệp chuyên về hóa chất (sản phẩm chính) cũng kinh doanh tương đối thuận lợi trong quý 2 vừa qua.
Nhờ doanh thu tăng nhanh hơn giá vốn, Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) báo lãi ròng quý 2/2021 tăng 81% so cùng kỳ, đạt trên 15 tỷ đồng. Tính chung cả nửa đầu năm 2021, lợi nhuận Công ty này tăng 85% so cùng kỳ.
Ông lớn Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) ghi nhận trong quý 2/2021, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón… của Công ty tăng so cùng kỳ. Doanh thu thuần đem về 2,038 tỷ đồng, tăng 29%. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí và thuế, DGC báo lãi ròng quý 2 ở mức 322 tỷ đồng, tăng 26%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của DGC ghi nhận tăng 29% so cùng kỳ, lên 3,989 tỷ đồng; lãi ròng đạt 606 tỷ đồng, tăng 36%. Công ty cho biết doanh thu các mặt hàng, giá bán đều tăng trong khi sản xuất và tiêu thụ không bị dừng do dịch Covid-19. Đồng thời, do có đổi mới công nghệ sản xuất, DGC đã tiết giảm được chi phí điện năng/nguyên liệu hơn so với trước đây; điều này giúp giảm giá thành sản phẩm, lãi gộp tăng 25%.
Mảng hóa chất của DPM ghi nhận khởi sắc trong nửa đầu năm nay, doanh thu tăng trưởng khoảng 70% và lợi nhuận tăng gần gấp 4 lần so cùng kỳ. Theo DPM, diễn biến tích cực của mảng hóa chất đến từ việc giá bán nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản, trong đó chủ yếu là giá Ammonia (NH3) trên thế giới tăng mạnh.
Nhiều cổ phiếu phân bón - hóa chất tăng vọt trong thời gian gần đây
Cùng với tình hình kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu các doanh nghiệp phân bón – hóa chất ghi nhận đà tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay. Tính đến hết phiên 02/08, tất cả 14 mã cổ phiếu niêm yết đều tăng giá so với hồi đầu năm, dẫn đầu bởi DGC (118%), LAS (91%), BFC (82%), DCM (54%), NFC (53%), và DPM (51%).
Như vậy, việc chi phí nguyên liệu gia tăng trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm không gây quá nhiều trở ngại cho nhóm doanh nghiệp ngành phân bón - hóa chất. Sức tiêu thụ và giá bán tăng cao giúp đà tăng trưởng kinh doanh vẫn được duy trì.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang kỳ vọng Quốc hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật thuế số 71 trong thời gian tới, theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0%-5% như trước, giúp tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Thông tin mới nhất và dường như từ nguồn tin này đã thúc đẩy trực tiếp “sóng” cổ phiếu thời gian gần đây đến từ Trung Quốc. Đó là việc các nhà sản xuất phân bón lớn của nước láng giềng phải tạm ngừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung nội địa. Điều này tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam, bởi lẽ nguồn cung từ Trung Quốc chiếm đến khoảng 40-50% phân bón nhập khẩu vào nước ta.
Nguồn cung này bị chững lại mở ra cơ hội không hề nhỏ cho kinh doanh phân bón nội địa chiếm lĩnh thêm thị phần. Giá phân bón trong nước đang liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới, triển vọng doanh thu lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phân bón - hóa chất nhờ đó cũng tăng lên.
Do đâu giá phân bón tăng cao kỷ lục? Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), trong 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón thị trường trong nước và thế giới liên tục tăng cao. Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón sản xuất tăng từ khoảng 8%-55% tùy loại. Cụ thể, phân urê tăng 55%; phân DAP tăng 35-50%; phân supe lân tăng hơn 8%; phân NPK tăng 15%-20%. Giá phân bón tăng phụ thuộc nhiều vào giá nguyên liệu đầu vào tăng, như khí NH3, than, lưu huỳnh, axit H2SO4, quặng apatit, chi phí vận chuyển... Trong sáu tháng qua, các nguyên liệu này đồng loạt tăng từ 105%-133%. Việc tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng lớn đến giá phân bón trong nước. Một số doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê từ khí cho biết, giá khí chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất. Trong đó, chi phí vận chuyển trong thời gian qua bị đội lên gấp nhiều lần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu cũng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Cụ thể hơn, giá vận chuyển tăng gấp 2-3 lần so với năm 2020. FAV cũng chỉ ra ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa kéo theo nguồn cung trên toàn thế giới sụt giảm mạnh. Từ đó gây mất cân bằng cung cầu phân bón trong khu vực cũng như thế giới. Những thay đổi trong chính sách và sản lượng phân bón sản xuất tại Trung Quốc cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá và nguồn cung phân bón. Dù Việt Nam có thể tự sản xuất phân bón đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng do nền kinh tế nước ta có độ mở cao nên việc giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao thì giá phân bón trong nước cũng phải tăng theo. |