Con sông thiêng dài 113km ở tỉnh biên ải phía Bắc, là nơi nuôi dưỡng nhiều chiến tướng lừng danh của Việt Nam

21-02-2024 13:53|Quỳnh Như

Những nơi dòng sông này chảy qua, cỏ cây, hoa màu, ngô, lúa mơn mởn tốt tươi. Tên của sông cũng được chọn làm bí danh của một vị tướng.

Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc nước ta, có đường biên giới hơn 300km giáp với khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc). Trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta, vùng biên cương Cao Bằng luôn là chiến địa ác liệt bi hùng.

Chỉ riêng nửa đầu thế kỷ XX, tại vùng đất thiêng Cao Bằng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là nơi đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân trở về Tổ quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Cao Bằng cũng là nơi khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam do danh tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng chỉ huy.

Sông thiêng và những chiến tướng

Về sau, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phát triển lớn mạnh và xuất hiện nhiều tướng lĩnh người dân tộc thiểu số ở chính quê Cao Bằng dạn dày trận mạc và chiến công như Hoàng Đình Giong, Lê Quảng Ba, Vũ Lập, Bằng Giang, Nam Long, Đàm Quang Trung, Đàm Văn Ngụy, Bế Xuân Trường…

Trong số những chiến tướng sinh trưởng vùng biên cương, Bằng Giang là người từng giữ các trọng trách như Khu trưởng Khu 10, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc, Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng Bằng Giang và gia đình. Ảnh: TL/Báo CAND

Trung tướng Bằng Giang và gia đình. Ảnh: TL/Báo CAND

Bằng Giang tên thật là Nguyễn Văn Cơ, sinh năm 1915, người dân tộc Tày, quê ở bản Thắc Tháy, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia làm liên lạc cho cách mạng từ năm 17 tuổi, đến năm 20 tuổi được kết nạp Đảng Cộng sản, lấy bí danh Nguyễn Bằng Giang, thường được gọi tắt là Bằng Giang. Ông là người phụ trách dẫn đường đoàn từ phía Việt Nam đi đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước tại cột mốc 108, nay là cột mốc 675 biên giới Việt - Trung ngày 28/1/1941. Ông cũng hay ra vào hang Pác Bó ở Hà Quảng, Cao Bằng để làm liên lạc, mang thực phẩm săn bắt được cho Ông Ké.

Bằng tài năng và hiểu biết về quê hương mình, Bằng Giang nhanh chóng trở thành cán bộ chủ chốt được cử làm Ủy viên Ban Thường vụ liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng phụ trách công tác binh vận, Tỉnh ủy viên phụ trách công tác quân sự tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1944, Bằng Giang chính thức gia nhập quân đội, với tài năng chỉ huy quân sự, dũng cảm, mưu lược và đặc biệt là am hiểu sâu sắc đất và người Tây Bắc, ông đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều chiến dịch lớn được mở trên địa bàn trọng yếu này, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trên cương vị Khu trưởng Khu 10.

Chuyện rằng, khi quân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh Chiến dịch Trần Đình, có lúc gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần, nhất là việc tiếp tế lương thực từ đồng bằng. Để kịp thời cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, cần phải huy động gấp lương thực tại chỗ. Chưa có chỉ thị của cấp trên nhưng Khu trưởng Bằng Giang đã nhanh chóng hành động, đích thân cưỡi ngựa dẫn theo hai cận vệ đến “vựa lúa” Tây Bắc tại ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung để vận động đồng bào “cho Chính phủ Cụ Hồ vay để đánh Pháp”. Được nhân dân ủng hộ, ông đã thu về ngay gần 7 tấn thóc nhập kho Tổng cục Cung cấp.

Sở dĩ ông Nguyễn Văn Cơ lấy bí danh Bằng Giang khi tham gia cách mạng vì luôn nhớ về dòng sông quê hương nhiều kỷ niệm. Bí danh của ông là tên một con sông miền biên cương “non nước Cao Bằng”, không chỉ gắn liền tuổi thơ của tướng Bằng Giang mà còn với cả tướng Nam Long và nhiều tướng lĩnh khác.

Con sông có nguồn nằm ở 'nóc nhà' của tỉnh Cao Bằng

Sông Bằng Giang (xưa gọi là sông Mãng) bắt nguồn từ Trung Quốc

Sông Bằng Giang (xưa gọi là sông Mãng) bắt nguồn từ Trung Quốc

Hằng năm, mỗi mùa lũ về, dòng sông lại bồi đắp phù sa cho những cánh đồng ngô, lúa trù phú. Sông Bằng Giang có diện tích lưu vực là 3.420,3km2, độ dài 113km. Lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, mùa mưa thì lũ ngầu đục cuồn cuộn đổ về dâng tràn hai bên bờ, dòng chảy rất mạnh và xiết; mùa cạn thì dòng chảy thấp, màu nước xanh trong hiền hòa.

Sông Bằng Giang chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua các huyện Thông Nông, Hà Quảng (hai huyện Thông Nông và Hà Quảng nay sáp nhập thành huyện Hà Quảng), Nguyên Bình, Hòa An, TP Cao Bằng, Phục Hòa rồi chảy qua Thủy khẩu Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cuối cùng đổ ra biển Bắc Hải (Trung Quốc).

Những nơi dòng Bằng Giang chảy qua, cỏ cây, hoa màu, ngô, lúa mơn mởn tốt tươi. Ngay sát những chân núi cao chất ngất, là các cánh đồng ngô, lúa bằng phẳng được phù sa bồi đắp, đem lại cho đồng bào mùa vàng bội thu ở các vùng Bản Um, Pác Măn, Bình Long, Hồng Việt, Tổng Chúp, TP Cao Bằng, Phục Hòa. Sông còn ban cho con người nguồn thủy sản dồi dào như: tôm, cua, ốc; các loài cá ngon nổi tiếng như: cá nheo, chép, mõm lợn, sộp…

Đoạn sông chảy đến TP Cao Bằng thì gặp sông Hiến chảy về theo hướng Tây Nam tạo thành ngã ba sông Nước Giáp thơ mộng. Nước Giáp cũng trở thành địa danh một khu phố giống như tên sông Bằng Giang, sông Hiến được đặt cho những phường của thành phố này.

Sông Bằng Giang cùng phụ lưu là sông Hiến ôm lấy TP Cao Bằng với núi đá muôn trùng bao bọc xung quanh tạo thành bức tranh sơn thủy tự nhiên cùng phố thị hiện đại hết sức độc đáo, như nhà thơ Hoàng Đức Triều người dân tộc Tày từng viết: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/ Bốn bề tứ trụ đứng chon von”

Sông Bằng Giang cùng phụ lưu là sông Hiến ôm lấy TP Cao Bằng với núi đá muôn trùng bao bọc xung quanh tạo thành bức tranh sơn thủy tự nhiên cùng phố thị hiện đại hết sức độc đáo, như nhà thơ Hoàng Đức Triều người dân tộc Tày từng viết: “Ba mặt tam giang trôi cuồn cuộn/ Bốn bề tứ trụ đứng chon von”

Một trong những nguồn nước quan trọng của sông Bằng Giang xuất phát từ vùng núi Phja Oắc ở phía Tây thuộc huyện Nguyên Bình, nơi có ngọn núi với độ cao 1.921m, được xem là nóc nhà và “viên ngọc quý” của tỉnh Cao Bằng.

Trong dân gian, nhiều câu chuyện ly kỳ mang màu sắc tâm linh được truyền tụng về núi Phja Oắc có sức hấp dẫn lạ thường. Và đây cũng là nơi các nhà cách mạng tiền bối chọn làm căn cứ địa bí mật để mưu chuyện đại sự, trong đó có việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do danh tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, bệ phóng quan trọng cho những người con của Cao Bằng mà tiêu biểu là chiến tướng Bằng Giang cùng quân dân vùng biên cương đứng lên góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.

>> Dòng sông dài 82km ở phía bắc Việt Nam được ví như chiếc lông chim khổng lồ, lưu lượng nước chênh lệch tới 1.000 lần

Ngôi đền nghìn năm tuổi lưng tựa núi, mặt giáp dòng sông Lam thơ mộng được mệnh danh là chốn linh thiêng ‘cầu gì được nấy’ ở miền Trung Việt Nam

Dòng sông dài 4.100km có diện tích lưu vực gấp 9 lần lãnh thổ Việt Nam, nằm ở ranh giới của 2 quốc gia

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/con-song-thieng-dai-113km-o-tinh-bien-ai-phia-bac-la-noi-nuoi-duong-nhieu-chien-tuong-lung-danh-cua-viet-nam-d116526.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Con sông thiêng dài 113km ở tỉnh biên ải phía Bắc, là nơi nuôi dưỡng nhiều chiến tướng lừng danh của Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH