Công an cảnh báo người dân cẩn trọng bị lừa hàng trăm triệu đồng với 'sở hữu kỳ nghỉ du lịch'
Công an thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với những công ty, cơ sở kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch.
Sở hữu kỳ nghỉ du lịch là gì?
Thời gian gần đây, khái niệm sở hữu kỳ nghỉ du lịch - Timeshare không còn xa lạ với nhiều người. Đây là mô hình du lịch mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định, thường là 7 ngày/1 năm. Khách hàng có thể theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.
Sở hữu kỳ nghỉ du lịch được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch, có nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao cấp. Khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu. Nếu không có nhu cầu sử dụng có thể trao đổi, mua bán, cho thuê. Chính vì thế, đây còn được giới thiệu là một phương pháp đầu tư có lãi.
Kỳ nghỉ có giá hàng trăm triệu đồng
Công an TP Hà Nội cho biết thời gian qua đã nhận được nhiều đơn tố giác của người dân về các công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, một số công ty kinh doanh, bán sở hữu kỳ nghỉ du lịch mời chào khách hàng bằng hình thức gọi điện mời tham gia hội thảo, hội nghị nghỉ dưỡng và nhận voucher du lịch miễn phí ở một số sơ sở, khách sạn 4 sao. Đặc biệt, nhân viên cam kết khách hàng không cần mua hàng, không cần mang theo tiền mặt mà chỉ mang căn cước công dân đến để xác nhận.
Khi đến hẹn, khách đến công ty sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng giới thiệu về các sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ du lịch với các gói có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 200-900 triệu đồng, tùy theo thời gian của kỳ nghỉ dưỡng dài hay ngắn, thường 5-40 năm.
Các nhân viên tư vấn nói rằng khách hàng sẽ có chính sách ưu đãi hấp dẫn, giảm giá lớn khi ký kết hợp đồng, đặt cọc ngay tại sự kiện. Chưa kể, khi khách hàng không có nhu cầu sử dụng có thể chuyển nhượng, bán cho người khác. Trước những hứa hẹn hấp dẫn, có nhiều người không có thời gian đọc kỹ, hiểu rõ hợp đồng đã ký và đặt cọc.
Khi khách hàng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết, phát sinh thêm nhiều khoản phí thường niên hay không thể bán lại cho người khác... mới đến công ty để thanh lý hợp đồng và đòi tiền. Lúc này, các công ty này đưa ra nội dung bản hợp đồng có nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng, không thể thanh lý hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp hợp đồng sẽ giải quyết tại tòa án dân sự...
Từ những điều khoản trong hợp đồng, cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xác định dấu hiệu phạm tội và bảo vệ người dân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Chưa kể, một số công ty kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch còn trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Thay đổi đổi tên công ty; Đổi trụ sở hoạt động; Đóng cửa không còn hoạt động; Không liên lạc được với đại diện theo pháp luật...
Công an thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với những công ty, cơ sở kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch. Đồng thời, trước khi quyết định, ký kết hợp đồng cần tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý, nghiên cứu rõ các điều khoản liên quan đến quyền lợi của các bên, giá trị hợp đồng, các loại chi phí liên quan để tránh bị lợi dụng, lừa đảo.
>> Giá phòng tăng, 'cháy phòng' dịp chung kết pháo hoa quốc tế 2024
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo rất mới: Quét mã QR code để nhận tiền
Sập bẫy kẻ lừa đảo 'chu đáo', người phụ nữ ở Hà Nội mất gần 1 tỷ đồng