Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động chính thức vào ngày 07/11/2003 và là CTCP bảo hiểm tư nhân được cấp phép thành lập đầu tiên tại nước ta.
Công ty bảo hiểm gắn với Shark Liên
Doanh nhân nổi tiếng gắn với Bảo hiểm Viễn Đông là bà Đỗ Thị Kim Liên, người thường được gọi là Shark Liên do ngồi ghế đầu tư tại chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ.
Theo Báo cáo quản trị của VASS vào cuối năm 2023, Shark Kim Liên sở hữu 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương 9% cổ phần; con gái bà Liên là Phạm Phương Chi sở hữu 4 triệu cổ phiếu, tương đương 5,7% cổ phần.
Đồng thời, bà Đỗ Thị Minh Đức, Chủ tịch HĐQT là em gái Shark Liên và Phạm Phương Chi con gái Shark Liên cũng đang là thành viên HĐQT của công ty.
Trong BCTC kiểm toán năm 2023 của Bảo hiểm Viễn Đông, kiểm toán đã lưu ý người đọc về phần trình bày tại thuyết minh “thông tin về tính hoạt động liên tục”. Cụ thể, đến ngày 31/12/2023, Ban Tổng Giám đốc hiểu rõ tình hình Công ty đang có các tiêu chí có thể dẫn đến nghi ngờ về tính hoạt động liên tục. Ban Tổng Giám đốc cam kết Công ty vẫn sẽ hoạt động liên tục trong tương lai dựa trên bảng kế hoạch của BGĐ về các hành động cải thiện khả năng hoạt động liên tục cùng với sự hỗ trợ vốn từ cổ đông và sự hợp tác cơ cấu và giãn nợ của các chủ nợ.
Một vấn đề khác được kiểm toán lưu ý là Công ty đã không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xem xét hủy tư cách công ty đại chúng cho Công ty sau 1 năm kể từ ngày 18/5/2023 trong trường hợp Công ty không đáp ứng được điều kiện công ty đại chúng tại thời điểm đó.
Một trong những doanh nhân nổi tiếng gắn với Bảo hiểm Viễn Đông là bà Đỗ Thị Kim Liên |
Trong phần trình bày thông tin về hoạt động liên tục, VASS cho biết, công ty có các chỉ số tài chính xấu hơn mức bình thường, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm quá 50,9% vốn góp chủ sở hữu.
Bằng các kế hoạch của Ban TGĐ về các hành động trong tương lai để cải thiện khả năng hoạt động liên tục của công ty. Năm 2023, công việc tái cấu trúc lại các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh và toàn bộ hệ thống chi nhánh văn phòng đại diện, Ban điều hành của VASS, chú trọng phát triển nghiệp vụ kinh doanh và có hiệu quả như nghiệp vụ hàng, tàu, tài sản kỹ thuật, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống theo hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh kênh kinh doanh online.
Bên cạnh đó, Ban TGĐ cũng có kế hoạch tăng vốn góp từ các cổ đông hiện hữu và cổ đông mới. Cuối cùng, HĐQT VASS đã đặt ra nhiều mục tiêu cho quá trình tái cấu trúc bằng quyết định thành lập những Ban tái cấu trúc, HĐ thu hồi công nợ và phát triển kinh doanh, ban Công nghệ thông tin, Ban điều hành cũng đã xây dựng một số kế hoạch hành động trên tất cả các mặt nhằm mục đích thay đổi và thích ứng với tình hình thực tại.
>> Kinh doanh bết bát, doanh nghiệp bảo hiểm của shark Liên báo "lỗ chồng lỗ" trong quý 2/2023
Hành trình tái cơ cấu gian nan của Bảo hiểm Viễn Đông (VASS)
Trong giai đoạn 7 năm sau khi thành lập, song song với việc mở rộng mạng lưới, Bảo hiểm Viễn Đông đã nhiều lần thực hiện tăng vốn và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 400 tỷ đồng vào tháng 11/2010.
Giai đoạn từ năm 2011-2012 là quãng thời gian đầy khó khăn với VASS. Đỉnh điểm là tháng 2/2012, công ty mất khả năng thanh toán nợ đến hạn liên quan đến các khoản vay nợ ngân hàng, các khoản nợ khác và phải bán 2 khối tài sản lớn để tất toán các khoản nợ đến hạn với ngân hàng.
Nguyên nhân do các khoản đầu tư vào bất động sản và chứng khoán từ năm 2007-2008 để lại đã khiến VASS rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính, gặp khó về thanh khoản.
Năm 2012, VASS là trường hợp đặc biệt được Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống chỉ còn 40 tỷ đồng, đồng thời cho phép nhà đầu tư tư nhân góp vốn thêm 260 tỷ đồng, nhằm tái cấu trúc hoạt động của công ty.
Nhà đầu tư xuất hiện cứu “game” thời điểm đó chính là CTCP Thủ Phủ Tre (nay đổi tên thành CTCP Bamboo Capital - Mã CK: BCG). Đáng nói, việc đầu tư của BCG tại VASS được thực hiện theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa công ty và bà Đỗ Thị Minh Đức. Theo đó, BCG sẽ làm trung gian đầu tư, nắm giữ cổ phần VASS theo yêu cầu của bà Đỗ Thị Minh Đức và sẽ chuyển nhượng lại cổ phần cho cá nhân này sau thời gian ủy thác.
Thông qua một số hoạt động phát hành riêng lẻ cho các cổ đông cá nhân khác, tới năm 2017, quy mô vốn của VASS đã đạt mức 500 tỷ đồng. Dù vậy, BCG vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại VASS. Đây cũng là năm đầu tiên sau một thời gian dài thực hiện tái cơ cấu, VASS mới bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc và được duy trì tới nửa đầu năm 2019.
Trong năm 2020, một lần nữa VASS lại tăng vốn từ 500 tỷ lên 700 tỷ theo giấy phép điều chỉnh của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, trong lần góp vốn này, xuất hiện thêm 2 cổ đông pháp nhân là CTCP Đầu tư Một trăm (bà Đỗ Thị Minh Đức là người đại diện theo pháp luật) và Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus (Shark Liên là người đại diện theo pháp luật). Đồng thời với đó là sự rời đi của BCG.
BCTC VASS 2020 |
Tuy nhiên, năm 2022, BCG quay trở lại danh sách cổ đông của VASS và đến cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu của BCG tại VASS cũng quay lại đúng con số 260 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 37,14%.
Liên tiếp từ năm 2020 đến 2023 hoạt động kinh doanh của VASS vẫn kém khởi sắc. Tính đến 31/12/2023, VASS lỗ lũy kế âm vào vốn chủ sở hữu lên tới 356,7 tỷ đồng.
>> Một thập kỷ thua lỗ của Công ty bảo hiểm TOP 3 vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam
Một cổ phiếu bảo hiểm được khuyến nghị MUA, kỳ vọng tăng 23%
Có nguy cơ bị cấm bán tại kênh ngân hàng, bảo hiểm liên kết đầu tư sụt giảm mạnh doanh số