Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, công ty điện lực các tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cung cấp đủ điện trên phạm vi cả nước.
Nhu cầu điện tại miền Bắc đã chiếm gần 50% toàn quốc và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm trong giai đoạn 2022-2025 lại thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.
Dự kiến giai đoạn này, khu vực miền Bắc chỉ đưa vào 1.427 MW (đã bao gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2), trong khi công suất đỉnh (Pmax) hệ thống điện quốc gia trong mùa hè năm 2023 dự kiến tăng thêm 5.530 MW so với năm 2022 (Pmax hệ thống điện miền Bắc dự kiến tăng 3.540 MW) nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh, thiếu điện cục bộ vào các tháng cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8.
Theo thông tin từ báo Chính phủ, mặc dù đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc và toàn quốc cũng đã lên rất cao. Điển hình như ngày 6/5/2023, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300 MW và sản lượng tiêu thụ ngày này trong toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh.
Chuẩn bị bước vào đợt cao điểm nắng nóng, cùng với tình hình dịch bệnh được khống chế, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên cả nước đang hoạt động trở lại bình thường và có sự bứt tốc khiến mức tiêu thụ điện lớn. Để đảm bảo nguồn điện xuyên suốt phục nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, các cong ty điện lực của từng tỉnh cần đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo nguồn cung điện.
Đầu tiên, công ty điện lực tại các tỉnh cần tiến hành theo dõi tình trạng đầy tải hoặc quá tải, lệch pha máy biến áp phân phối; lên phương án luân chuyển các máy biến áp phù hợp với nhu cầu phụ tải điện tại từng khu vực.
Thứ hai, công tác thí nghiệm định kỳ, sửa chữa lớn, giải phóng hành lang an toàn lưới điện… cũng được khẩn trương thực hiện để tăng khả năng vận hành an toàn lưới điện trong điều kiện nắng nóng, phụ tải tăng cao.
Thứ ba, lên phương án dự phòng để hỗ trợ nguồn điện khi cần thiết. Yêu cầu các bộ phận chuyên môn tăng cường lực lượng ứng trực khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C, hạn chế tối đa việc ngừng cấp điện có kế hoạch, trừ trường hợp sự cố bất khả kháng.
Thứ tư, các công ty Điện lực cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc để tiếp nhận thông tin báo mất điện của khách hàng, từ đó nhanh chóng xử lý, khôi phục, cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
Cuối cùng, song song với các biện pháp quản lý kỹ thuật - vận hành, các công ty điện lực cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương trong việc triển khai chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện, các giải pháp tiết kiệm điện trong gia đình mùa nắng nóng, cách sử dụng điện an toàn, hiệu quả đến cộng đồng, cảnh báo đến khách hàng tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao trong những tháng nắng nóng sắp tới.
Việt Nam sẽ hình thành Khu công nghệ cao thứ 5 với quy mô hơn 660ha tại tỉnh miền Bắc
Dự báo thời tiết 13/12/2024: Rét đậm bao trùm miền Bắc, miền Trung mưa lớn