Doanh nghiệp A-Z

Công ty sợi Thái Bình thua lỗ nặng, chuyển hướng sang BĐS với kỳ vọng thị trường phục hồi

Hải Băng 23/09/2024 11:11

Công ty Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc khiến khi thị trường này gặp vấn đề, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tục sa sút và phải tìm hướng đi mới.

Ngày 20/9, CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (HoSE: SVD) thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản và tư vấn, môi giới nhà đất vào hoạt động kinh doanh chính. Theo doanh nghiệp, sau một thời gian "đứng hình" vì ảnh hưởng chung bởi nền kinh tế, thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn dưới tác động của các bộ luật mới (Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản). Lượt tìm mua đất trong quý III/2024 đã tăng 49% so với cùng kỳ, giá bất động sản cũng đang trên đà tăng.

Công ty sợi tại Thái Bình lỗ 'chổng vó', muốn quay sang làm bất động sản vì cho rằng thị trường đã hết 'đứng hình'
Nhà máy sợi của Vũ Đăng

Vũ Đăng sở hữu nhà máy sợi tại Cụm công nghiệp Đông Phong, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình với công suất 9.348 tấn/năm. Việc chuyển hướng sang lĩnh vực mới diễn ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sợi gặp nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty bán hàng dưới giá vốn, doanh thu là 108 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán 113,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi lãi vay, chi phí quản lý, Vũ Đăng lỗ ròng 15,2 tỷ đồng. Trước đó, công ty đã lỗ liên tục trong năm 2022 và 2023 với số tiền 2,4 tỷ đồng và 36,5 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế ở thời điểm ngày 30/6 là 28,8 tỷ đồng.

Công ty sợi tại Thái Bình lỗ 'chổng vó', muốn quay sang làm bất động sản vì cho rằng thị trường đã hết 'đứng hình'
Nguồn: Tổng hợp

Nguyên nhân đến từ việc Vũ Đăng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cuối năm 2019, công ty nâng công suất từ 3.413 tấn/năm lên 9.438 tấn/năm. Tuy nhiên, sau Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc mất đà phục hồi và ngày càng đuối, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đóng băng. Doanh thu xuất khẩu năm 2023 còn 8 tỷ đồng, giảm 98% so với năm 2022. Từng có thời điểm, doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do thị trường tiêu thụ giảm mạnh và hàng tồn kho nhiều.

Trong khi đó, công ty phải gánh nợ vay lớn, hệ quả từ hoạt động mở rộng. Nợ vay ở thời điểm ngày 30/6 đạt 108,7 tỷ đồng, bằng 44% vốn chủ sở hữu.

Hoạt động kinh doanh khó khăn nhưng hồi tháng 5, Tổng Giám đốc - Vũ Tuấn Phương, cũng là cổ đông lớn nhất, quyết định đầu tư 58 tỷ đồng (chiếm 23% vốn chủ sở hữu) vào CTCP M.A.P Global tại Hà Nội để sở hữu 29% cổ phần. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, buôn bán máy móc và vật liệu xây dựng. Đây dường như là lĩnh vực không liên quan lắm đến Vũ Đăng.

Trong báo cáo tài chính, khoản đầu tư trên được lưu ý vì chưa thể xác định giá trị hợp lý và có thể khác với giá trị ghi sổ.

Mới đây, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc - ông Mai Anh Tuấn đã xin từ nhiệm với lý do bận công việc cá nhân, không sắp xếp được thời gian để đảm bảo công việc được phân công.

Phiên giao dịch sáng 23/9, SVD tăng trần lên 3.270 đồng/cp, đánh dấu 2 phiên tăng trần liên tiếp. Vốn hóa doanh nghiệp đạt 84,5 tỷ đồng.

>> Công ty may 50 năm tuổi tại TP. HCM muốn tìm nhân tài để giải bài toán trắng doanh thu, bắt buộc sa thải 3.800 lao động

Tập đoàn Đèo Cả muốn doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam 70 tỷ USD

‘Ông lớn’ ngành may mặc lấn sân sang mảng bất động sản với dự án quy mô 70 triệu USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cong-ty-soi-tai-thai-binh-lo-chong-vo-muon-quay-sang-lam-bat-dong-san-vi-cho-rang-thi-truong-da-het-dung-hinh-249978.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công ty sợi Thái Bình thua lỗ nặng, chuyển hướng sang BĐS với kỳ vọng thị trường phục hồi
    POWERED BY ONECMS & INTECH