Tập đoàn Vingroup, Thaco, KN Group hiến kế phát triển đất nước
Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải - Trần Bá Dương, Chủ tịch KN Group - Lê Văn Kiểm đưa ra đề xuất để phát triển đất nước trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 21/9.
Sáng 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Minh Khái, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các doanh nghiệp như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Thủy sản Minh Phú, Masan, Sovico, TH, và Cơ điện lạnh (REE).
Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã hiến kế nhằm phát triển đất nước giàu mạnh hơn.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup đưa ra đề xuất ở 3 nhóm vấn đề gồm đào tạo, an sinh xã hội và công nghiệp.
Trong đào tạo, Chính phủ cần đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa.
"Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo cần câu cơm tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai" - ông Vượng nói.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup |
Chính phủ cần đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… từ đó tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.
Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, Tập đoàn Vingroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1 - 2 năm hoặc bán chậm 1 - 2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.
Để giải quyết, Chính phủ cần cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Khi đó, thời gian sẽ rút ngắn được từ 6 - 9 tháng cho công tác này. Tiêu chuẩn của nhà ở xã hội cần tăng lên, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác... Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…
Trong công nghiệp, Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Nếu đẩy mạnh việc này, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải cho biết, tập đoàn đang theo đuổi mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN. Đối với ô tô, xu hướng xanh và tiện ích đang được quan tâm. Tuy nhiên, nếu chuyển sang hoàn toàn xe điện, cần có lộ trình và thời gian đầu tư vào hạ tầng, đảm bảo an toàn. Hiện nay, gần như tất cả các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác đều có xe điện, nhưng số lượng nhập về Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải |
Ông Trần Bá Dương mong muốn tổ chức các hội thảo để các bên cùng đóng góp ý kiến, đề xuất, nhằm thay đổi xu hướng thị trường đối với các loại xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin và sạc điện.
Về công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực này đòi hỏi sản lượng lớn và công nghệ cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã phát triển trong nhiều ngành nghề. Trường Hải may mắn "đi sớm" vào lĩnh vực cơ khí.
"Chúng tôi đang triển khai thêm khu công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đưa sản phẩm sang Việt Nam để lắp ráp và chuyển về nước, trong đó chúng ta sản xuất được từ 35 - 40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng", ông Trần Bá Dương cho biết.
Trong lĩnh vực linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với giá trị 13 triệu USD, và dự kiến năm sau sẽ còn tăng. Vì vậy, Tập đoàn Trường Hải kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn đến ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí liên quan nhiều đến lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, tạo cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng trong nước cũng như xuất khẩu.
Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất phát triển mô hình vừa rừng vừa chăn nuôi, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi sẽ giúp tạo ra chuỗi sản xuất tuần hoàn. Điển hình là việc trồng sầu riêng đã đạt hiệu quả cao và loại quả này đã được xuất khẩu.
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch KN Group xác định phát triển bền vững là mục tiêu chính, với trọng tâm ưu tiên vào hai lĩnh vực: xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch KN Group |
KN Group đang hướng tới việc xây dựng các trung tâm công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, với đầy đủ tiện nghi cho công nhân viên và chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp. Mục tiêu là giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, phát triển mạnh mẽ các trung tâm đào tạo ngành nghề, đổi mới sáng tạo, và nghiên cứu phát triển, đồng thời cải thiện giao thông thuận lợi, hiện đại.
Tập đoàn mong muốn nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực. Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách mới để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, và đất đai trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
"Chúng tôi cũng mong Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo tính cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI" - ông Lê Văn Kiểm chia sẻ.
Về lĩnh vực năng lượng, ông Kiểm khẳng định Chính phủ đã thể hiện sự ưu tiên đối với việc phát triển năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế và chống biến đổi khí hậu, thông qua việc ban hành Quy hoạch Điện VIII.
KN Group mong Thủ tướng và các lãnh đạo quan tâm, xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo tính khả thi và được triển khai nhanh chóng, theo hình thức mua bán điện trực tiếp và ít sử dụng đất, như các dự án điện mặt trời nổi. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, và tập đoàn mong được ưu tiên triển khai trong Quy hoạch Điện VIII, cũng như xem xét tăng thêm công suất trong điều chỉnh quy hoạch điện lưới quốc gia.
Điều này không chỉ góp phần tăng thêm nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển kinh tế trong tương lai, mà còn thu hút các tập đoàn lớn muốn sử dụng năng lượng sạch để đạt được chứng nhận xanh cho sản phẩm của họ.
Tập đoàn KN bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ góp phần tích cực xây dựng tương lai đất nước tốt đẹp hơn.
>> Thủ tướng chủ trì cuộc họp với 12 doanh nghiệp tư nhân VIC, HPG, MSN…
Tập đoàn sở hữu CTCK trong Top 8 Việt Nam chi 18.000 tỷ đồng mua lại Landmark 72?
Hải Phát (HPX) dừng phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng do phương án không còn khả thi