CPI tháng 7/2022: Chỉ số giao thông "ngược dòng" giảm 2,85% do giá xăng dầu điều chỉnh

29-07-2022 13:36|Quốc Huy

Bình quân 7 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%).

Tổng cục Thông kê vừa công bố chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 bằng 100,4% CPI tháng trước và bằng 103,14% so với cùng kỳ. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.

1ade4a5a9b8259dc0093.jpg
Nguồn: GSO

Giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những yếu tố then chốt khiến chỉ số CPI được nâng cao.

 Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

image001-4.png
Nguồn: GSO

Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống  tăng 1,37% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,31%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 1,6%, tác động tăng 0,34 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%, tác động tăng 0,11 điểm phần trăm.

Tháng 7, nguồn cung gạo trong nước dồi dào do các địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.

Giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như giá bánh mì tăng 0,96%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,9%; bột mỳ tăng 0,67%; miến tăng 0,45%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,43%.

Trong tháng, giá thịt lợn tăng 4,29% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,92% so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá trứng các loại cũng tăng 3,1% so với tháng trước do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu.

Ngoài ra các loại mặt hàng khác như thủy sản, dầu mỡ, chè, cafe rau,... cũng đồng loạt tăng do chi phí vận chuyển và giá nhiên liệu tăng.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2022 tăng 1,28% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và tháng Bảy là tháng cao điểm du lịch. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 1,37% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,66% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 1,24%.

Chỉ số giá mảng đồ uống và thuốc lá tăng 0,39% so với tháng 6/2022 do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng. 

Về mảng may mặc, mũ nón, giày dép: Chỉ số giá nhóm này tăng 0,32% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí vận chuyển và nhu cầu mua sắm vào mùa hè tăng. Trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,37%; mũ nón tăng 0,26%; giày dép tăng 0,19%; dịch vụ may mặc tăng 0,28%.

Chỉ số nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49% so với tháng trước do giá điện, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đều tăng. Tuy nhiên, giá gas giảm 1,54% so với tháng trước do từ ngày 01/7/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 7.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 25 USD/tấn (từ mức 750 USD/tấn xuống mức 725 USD/tấn). Giá dầu hỏa giảm 1,38% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 01/7/2022, 11/7/2022 và 21/7/2022.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình cũng tăng 0,32% so với tháng trước; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79% so tháng trước do vào mùa cao điểm du lịch; Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,43%) tập trung chủ yếu ở mặt hàng mỹ phẩm, dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,88%, dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,51%, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,21%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, nhóm hàng hóa và dịch vụ duy nhất có chỉ số giá giảm là giao thông (-2,85%) so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/7/2022, 11/7/2022 và 21/7/2022 làm cho giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 4,03%.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

screenshot-386-.png
Lạm phát cơ bản                                                                                                                                                       Nguồn: GSO

Tháng 7/2022, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng giảm 2,39% so với tháng trước; tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 6,58%.

Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh hơn so với các ngân hàng trung ương khác, với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 0,08%.

Giá vàng lao dốc cực nhanh: Có cơ hội quay đầu tăng tiếp?

Một loạt quan chức khẳng định không cần cắt giảm lãi suất trong năm nay, Fed sẽ 'quay xe' khiến Phố Wall thất vọng?

Giá vàng hôm nay 19/4/2024 neo cao, triển vọng tăng mạnh

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cpi-thang-72022-chi-so-giao-thong-nguoc-dong-giam-285-do-gia-xang-dau-dieu-chinh-142282.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
CPI tháng 7/2022: Chỉ số giao thông "ngược dòng" giảm 2,85% do giá xăng dầu điều chỉnh
POWERED BY ONECMS & INTECH