Cuộc khủng hoảng của canh tác thẳng đứng và thành công của 'Tesla Dâu tây'
Thế giới từng xôn xao về việc một công ty khởi nghiệp Nhật Bản kiếm được tới 50 triệu USD nhờ bán loại dâu tây đặc biệt cho những người giàu có ở Mỹ với giá 50 USD/hộp, tương đương khoảng 1,25 triệu đồng.
Bất chấp giá năng lượng tăng vọt ảnh hưởng đến nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị, ngành kinh doanh dâu tây xa xỉ vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Câu chuyện thành công này liên quan đến Oishii, một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp canh tác thẳng đứng, được mệnh danh là “Tesla Dâu tây”.
Trong nhiều năm, nông nghiệp đã chuyển đổi sang mô hình canh tác thẳng đứng. Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1999 bởi TS. Dickson Despommier tại Đại học Columbia, các trang trại canh tác thẳng đứng đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.
Từ năm 2014-2020, các nhà đầu tư trên toàn cầu đã rót hơn 1,8 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp về canh tác thẳng đứng và dự đoán giá trị thị trường sẽ đạt mức 20,9 tỷ USD trong 5 năm tới.
Khác với canh tác truyền thống, canh tác thẳng đứng hoặc "môi trường nông nghiệp có kiểm soát" (CEA), không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và bảo đảm năng suất cây trồng quanh năm. Sử dụng các công nghệ hiện đại như robot, thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo, những người nông dân đã tối ưu hóa các yếu tố tăng trưởng như ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm.
Cuộc khủng hoảng của canh tác thẳng đứng
Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp canh tác thẳng đứng gặp phải trở ngại cực kỳ nghiêm trọng là nhu cầu sử dụng năng lượng.
Những trang trại này đòi hỏi nguồn lượng năng lượng khổng lồ để hoạt động, đặc biệt là để phục vụ nhu cầu sưởi ấm và chiếu sáng nhân tạo. Báo cáo CEA của Công ty dịch vụ và công nghệ tư vấn Agriture (Mỹ) vào năm 2021 cho thấy, các trang trại thẳng đứng sử dụng năng lượng nhiều hơn 100 lần so với những người canh tác ngoài trời.
Khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến chi phí năng lượng tăng cao, nhiều công ty canh tác thẳng đứng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này như Agricool, AppHarvest và Infarm đều nằm trong số những công ty đang gặp khó khăn và trên đà suy thoái.
Cách tiếp cận độc đáo
Các công ty khởi nghiệp mới nổi thường trải qua 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ 3 là "máng vỡ mộng" - đặc trưng bởi những thất bại và phá sản. Sự suy thoái gần đây của một số doanh nghiệp canh tác thẳng đứng cho thấy lĩnh vực đang chuyển sang giai đoạn này.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn, Oishii vẫn đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào cách tiếp cận độc đáo của người sáng lập Hiroki Koga.
Xuất phát từ truyền thống tặng quà của Nhật Bản là các loại trái cây đắt tiền, Hiroki Koga đã tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, cung cấp những quả dâu tây có hương vị độc đáo.
Sử dụng công nghệ canh tác thẳng đứng và chiến lược thụ phấn của ong, kết hợp với quy trình canh tác nghiêm ngặt, Hiroki Koga đã trồng được những quả dâu tây vô cùng đặc biệt và chất lượng, chuyên hướng tới phục vụ nhu cầu cho tầng lớp giàu có.
Khi làm như vậy, Oishii đã mô phỏng chiến lược ban đầu của Tesla là nhắm mục tiêu vào thị trường xa xỉ trước khi mở rộng quy mô để sản xuất hàng loạt. Thành công của Oishii đã cho thấy, một chiến lược đúng lúc, kết hợp với những kỳ vọng thực tế, có thể hướng canh tác thẳng đứng hướng tới một tương lai thành công.
Những thất bại gần đây trong ngành đang buộc các công ty khởi nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp thay thế. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo hoặc di dời đến các khu vực có nguồn năng lượng giá rẻ dồi dào như Trung Đông có thể là những giải pháp tiềm năng.
Nếu kỳ vọng về nền nông nghiệp xanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn trở thành hiện thực thì đó sẽ là nhờ các doanh nhân, nhà công nghệ và nhà đầu tư chấp nhận rủi ro đã biến giấc mơ lớn thành hiện thực.
Câu chuyện về việc Oishii vẫn có thể kiếm được tới 50 triệu USD trong bối cảnh khó khăn chứng minh rằng, ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh, sự đổi mới và kiên trì vẫn có thể mang lại thành công ngọt ngào.
(Theo Agritecture)