Đã có phương án sáp nhập huyện xã của 48 tỉnh, thành
Bộ Nội vụ đã nhận được phương án sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập huyện xã của 48 tỉnh, thành trong 58 tỉnh, thành phải sắp xếp 33 huyện, 1.327 xã, thực hiện từ nay đến tháng 10/2024.
Tại phiên chất vấn chiều 7/11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời câu hỏi của đại biểu về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã 2021 – 2025.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Quảng Bình dẫn Nghị quyết số 117 của Chính phủ yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 với thời gian rất gấp rút, chưa đến một năm để chuẩn bị đại hội cấp cơ sở năm 2025.
“Với vai trò cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng trong việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp để thực hiện thành công những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?”, đại biểu tỉnh Quảng Bình hỏi.
Còn 10 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp
Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là chủ trương lớn, tập trung cải cách tổ chức bộ máy và cũng là việc khó đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống.
Bộ trưởng phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi tổng rà soát cả nước có 58 tỉnh sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện từ nay đến tháng 10/2024 kết thúc để tổ chức đại hội Đảng cơ sở.
Từ đó, Bộ trưởng nêu một số giải pháp, trong đó có việc tập trung cao tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là ở những địa bàn phải sắp xếp.
Nhiệm vụ nữa là đảm bảo đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính. Trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt người đứng đầu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự đồng thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra và các yếu tố đặc thù.
“Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được 48/58 tỉnh thành gửi phương án sắp xếp”, Bộ trưởng mong các địa phương còn lại gửi phương án để các bộ ngành có ý, sau đó khẩn trương triển khai đề án.
Giải pháp nữa được Bộ trưởng Nội vụ nêu ra là chủ động bố trí nguồn lực cho việc này. Bởi đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm đòi hỏi kỹ lưỡng, sát sao, hiệu quả nhưng phải chú ý đến đối tượng bị tác động để họ không bị ảnh hưởng, nhất là những người dôi dư, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, cấp xã.
Về các chính sách liên quan đến người dân, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Nghị quyết của Ủy Thường vụ Quốc hội đã phủ hết các vấn đề mà giai đoạn trước còn vướng mắc. Đến thời điểm này các bộ ngành Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ văn bản hướng dẫn để thực hiện.
Cuối cùng cần có giải pháp chủ động linh hoạt sáng tạo để giải quyết vấn đề phát sinh thực tiễn đặt ra.
“Thời gian qua các địa phương đã làm nhiều việc thành công rồi thì nay với lĩnh vực khó, nhạy cảm này càng đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị hơn lúc nào hết”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng vị trí việc làm
Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ liên quan đến xây dựng vị trí việc làm, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Bình Định bày tỏ yên tâm về tiến độ, song lo ngại về chất lượng vị trí việc làm.
Theo đại biểu, chất lượng không đảm bảo dẫn đến việc tinh giản biên chế sẽ không nâng cao được chất lượng bộ máy.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời, chủ trương xây dựng vị trí đã kế hoạch triển khai từ năm 2012. Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng giao nhiệm vụ cho từng khối để thực hiện chủ trương này.
Khối Chính phủ do Bộ Nội vụ chủ trì; khối các cơ quan Đảng, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội do Ban Tổ chức Trung chủ trì; khối các cơ quan Quốc hội do Ban Công tác đại biểu chủ trì.
“Các cơ quan đã triển khai, chỉnh sửa và hoàn thiện dần nhưng phải nói một điều là đến nay, việc này chưa đạt chất lượng như đại biểu nêu”, Bộ trưởng Nội vụ nhìn nhận.
Từ góc độ cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, bộ sẽ rà soát, hoàn thiện để tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng vị trí việc làm.
Vị trí việc làm là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương. Vì vậy từ vị trí điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tăng lương là vấn đề cả nước quan tâm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng tháng 7/2024 sẽ hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương.
Hải Phòng: Sáp nhập 3 xã thuộc huyện An Dương vào quận Hồng Bàng từ năm 2025
Công bố nghị quyết sáp nhập huyện, xã của 21 tỉnh, thành phố