Bằng một số chiêu trò, thủ đoạn, các đại lý SIM thẻ có thể 'nuôi' được lượng lớn SIM rác trong thời gian dài rồi bán cho những người muốn sử dụng SIM không chính chủ.
Thời gian qua, VietNamNet đã tiến hành nhiều đợt khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM để phản ánh về tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ. Nhìn chung, so với trước đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, tình trạng đại lý bán SIM rác đã giảm hẳn. Mặc dù vậy, tại một vài nơi, người dùng vẫn có thể tìm mua được SIM rác khi có nhu cầu.
Đặc điểm “lạ” của SIM rác, SIM không chính chủ
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên VietNamNet đã ghi nhận được một vài đặc điểm lạ, chỉ có ở SIM rác. Thông thường, sẽ ít ai để ý đến chúng. Nhưng khi những đặc điểm này lặp đi lặp lại nhiều lần, theo một cách có quy luật, xâu chuỗi lại các vụ việc, câu hỏi đặt ra là liệu chúng có liên quan đến phương thức hoạt động của loại hình dịch vụ nhạy cảm này?
Một trong những đặc điểm phổ biến của SIM rác là trong tài khoản thường có số dư lẻ một vài nghìn đồng. Người mua không cần trình chứng minh thư, căn cước công dân, nạp tiền hay đăng ký gói cước nhưng lại có sẵn tiền trong tài khoản.
Đặc điểm kể trên thường xuất hiện ở những đại lý bán SIM rác “ăn liền”. Đó là những nơi sau khi mua SIM, người bán liền đưa thẻ SIM cho người mua luôn mà không cần trải qua khâu kích hoạt.
Trả lời thắc mắc này, chủ một cửa hàng bán SIM rác trên phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là SIM đã kích hoạt từ trước. Tuy có quy định phải đăng ký thông tin thuê bao nhưng em vẫn “nuôi” được một số SIM. Anh nạp tiền là có thể sử dụng”.
Để tránh việc bị thu hồi SIM, chủ đại lý còn đưa ra khuyến nghị: “Mỗi tháng anh chỉ cần phát sinh hoạt động tối thiểu như nạp 5.000 đến 10.000 đồng và thực hiện nhắn tin hoặc cuộc gọi đi là đã có thể duy trì. Các cuộc gọi đến không được tính là phát sinh hoạt động”.
Theo quan sát của phóng viên, còn một đặc điểm kỳ lạ khác của SIM rác, đó là thời điểm kích hoạt SIM trên thực tế cách rất xa so với thời điểm kích hoạt SIM được xác nhận trên hệ thống.
Ở đợt khảo sát SIM rác của VietNamNet hồi tháng 10, mặc dù các thẻ SIM đều được mua và kích hoạt trong cùng một ngày, nhưng khi tra cứu thông tin thuê bao qua hệ thống tổng đài 1414 của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), câu trả lời cho thấy những SIM này đều đã được kích hoạt từ rất lâu trước đó.
Cụ thể, thời điểm phóng viên mua SIM và kích hoạt trên thực tế là tháng 10/2023. Thế nhưng, thời điểm kích hoạt SIM được hệ thống ghi nhận có thể vào tháng 4, tháng 7 hoặc tháng 8 cùng năm. Đặc điểm này xuất hiện tại các đại lý có hành động chụp ảnh thẻ SIM rồi nhờ một “ai đó” kích hoạt khi khách có nhu cầu.
Với những đặc điểm kỳ lạ trên, câu hỏi đặt ra là vì sao trong SIM rác lại có tiền lẻ? Và vì sao thời điểm kích hoạt SIM trên hệ thống lại cách rất xa thời điểm kích hoạt trên thực tế?
Các đại lý đã "nuôi" SIM rác như thế nào?
Khi phóng viên đem thắc mắc này đến hỏi một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong thị trường viễn thông, người này cho biết, chính các đặc điểm kể trên đã phần nào tiết lộ thủ đoạn “nuôi” SIM rác của các đại lý.
Các nhà mạng thường có cách tính chỉ tiêu của nhân viên kinh doanh dựa trên số SIM đã được kích hoạt chứ không phải số SIM bán ra cho đại lý. Do vậy, có thể xảy ra câu chuyện nhân viên nhà mạng cấu kết với đại lý để kích hoạt sớm một lượng lớn SIM nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu và được hưởng hoa hồng.
Để đứng tên cho số SIM này, đại lý có thể thực hiện thông qua nhiều cách, từ nhờ người thân, thuê người khác đứng tên hộ cho đến mua dữ liệu căn cước công dân thông qua các dịch vụ bất hợp pháp. Điều này dẫn đến tình trạng trên thị trường xuất hiện một lượng lớn SIM kích hoạt sẵn.
Theo góc nhìn chuyên gia, ở mỗi nhà mạng, hoạt động trên sẽ có một cách thức thực hiện khác nhau. Nhưng về cơ bản, nhà mạng nào cũng có một kho SIM chờ, còn được gọi là kho thu hồi.
Khi SIM bị khóa 2 chiều một thời gian, nếu không được mở khóa, SIM sẽ bị đẩy về kho thu hồi. Với những thuê bao thuộc diện này, nhà mạng vẫn chưa xóa thông tin khách hàng để đề phòng trường hợp người dùng cũ muốn mua lại.
Điều này có lợi cho những người dùng chẳng may bị mất SIM. Nhưng nó cũng rất dễ bị lạm dụng. Theo đó, việc đẩy SIM về kho thu hồi là một cách thức để các đại lý giữ số. Trong trường hợp có người hỏi mua SIM kích hoạt sẵn, đại lý sẽ liên hệ với nhân viên nhà mạng để kích hoạt lại SIM từ kho chờ.
Đây là nguyên nhân giải thích cho tình trạng tại một số đại lý, người mua SIM rác phải chờ chủ đại lý chụp ảnh thẻ SIM, gửi cho người khác để kích hoạt. Khi kiểm tra, ngày kích hoạt SIM trên thực tế cách rất xa so với thông tin trên hệ thống bởi đây thực chất là việc “kích hoạt lại” chứ không phải “kích hoạt mới”.
Ở những trường hợp này, nhà mạng sẽ bị thiệt hại, mất tiền oan do phải trả hoa hồng sớm cho nhân viên và đại lý, trong khi thực tế không phát sinh thêm người dùng mới nào. Cách lách luật này còn tạo "cửa" cho tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ngang nhiên tồn tại.
Đối với các đại lý không thể cấu kết với nhân viên nhà mạng nhằm “móc SIM” thường xuyên, họ sẽ phải chủ động “nuôi” SIM để duy trì nguồn SIM kích hoạt sẵn.
Bên cạnh hình thức thủ công là tự nạp tiền hàng tháng để duy trì, trên thị trường còn tồn tại một loại tool (công cụ) giúp báo ngày, giờ cần nạp tiền, đồng thời hỗ trợ đại lý “nuôi” vài chục SIM cùng lúc. Với những thẻ SIM được “nuôi” theo cách này, khi mua SIM, người mua sẽ thấy trong tài khoản có sẵn một số tiền lẻ vài nghìn đồng.
Tại họp báo tháng 11 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, các nhà mạng đã rà soát, yêu cầu đại lý thực hiện đúng quy định về việc phát triển SIM.
Trước tình trạng người dân tiếp tục mua được SIM rác tại các đại lý ủy quyền, Cục Viễn thông đang phối hợp cùng các nhà mạng rà soát, kiểm tra, đánh giá, làm rõ các trường hợp này để yêu cầu thực hiện nghiêm việc phát triển thuê bao mới.
Tuấn Nghĩa