Doanh nghiệp A-Z

‘Đại gia’ buôn thép lao đao trong vòng xoáy công nợ với Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC)

Ánh Nguyệt 16/09/2024 - 15:05

Thép SMC đang gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ từ Xây dựng Hòa Bình (HBC) và các công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Novaland (NVL).

Trong phiên chiều ngày 16/9, VN-Index tiếp tục lao dốc do áp lực bán gia tăng từ các cổ phiếu trụ kéo chỉ số lùi về mốc 1.245 điểm, giảm hơn 6 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC chịu tác động tiêu cực, khi sau giờ nghỉ trưa, thị giá bất ngờ bị bán tháo mạnh, giảm kịch sàn xuống còn 8.930 đồng/cp, đánh dấu mức thấp nhất trong 21 tháng.

Đà giảm của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh ngành thép đối mặt với nhiều thách thức. Làn sóng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam đang gây ra nguy cơ mất thị phần cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, sức mua ở thị trường nội địa vẫn là một dấu hỏi lớn, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn cần thời gian để “ngấm” từ các chính sách hỗ trợ. Điều này dẫn đến gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép.

Theo đó, tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2024 của doanh nghiệp cũng không mấy khả quan. Doanh thu thuần đạt 4.470 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Nhờ khoản doanh thu tài chính đã “cứu cánh” cho lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả, công ty mang về 89 tỷ đồng lãi sau thuế, khả quan hơn so với khoản lỗ 385 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

‘Đại gia’ buôn thép lao đao trong vòng xoáy công nợ với Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC)
Cổ phiếu của Thép SMC thủng đáy 21 tháng

Đáng chú ý nhất là khoản công nợ liên quan đến Tập đoàn Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC). Tính đến cuối tháng 6/2024, Thép SMC tạm ghi nhận lỗ hơn 22% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC, sau khi hoán đổi từ khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khoản đầu tư này không chỉ đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy công nợ với Hòa Bình mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất trắng, khi hoạt động kinh doanh của Hòa Bình tiếp tục suy yếu. Việc ghi nhận khoản lỗ lũy kế âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty khiến cho HBC bị hủy niêm yết trên HoSE. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư cũng như diễn biến giá cổ phiếu khi giao dịch trở lại trên UPCoM.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái liên quan đến Tập đoàn Novaland như Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City đang đứng đầu danh sách nợ xấu với hơn 700 tỷ và công ty đã trích lập dự phòng hơn 570 tỷ đồng.

Trước đó, trong ĐHĐCĐ năm 2024, trả lời câu hỏi liên quan việc trích lập và giải quyết công nợ khó đòi, đặc biệt với NVL, Phó Chủ tịch HĐQT - Bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi cho biết nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II và tổng cộng gần 300 tỷ trong cho cả năm 2024.

"Khoản trích lập này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, do đó SMC đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác", Phó Chủ tịch HĐQT nhận định.

Theo đó, ban lãnh đạo nhận định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/6. "Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm".

>> ‘Đại gia’ buôn thép lỗ ngay 22% với hơn 10 triệu cổ phiếu Hòa Bình (HBC) vừa hoán đổi nợ

Hòa Phát (HPG): Thị phần thép xây dựng cao kỷ lục, giá bán sẽ cải thiện vào cuối năm

Hòa Phát - Hoa Sen - Nam Kim: Doanh nghiệp thép nào được cho là sẽ bứt phá cuối năm 2024?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-gia-buon-thep-lao-dao-trong-vong-xoay-cong-no-voi-novaland-nvl-va-xay-dung-hoa-binh-hbc-249106.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Đại gia’ buôn thép lao đao trong vòng xoáy công nợ với Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC)
    POWERED BY ONECMS & INTECH