Trong 54 dân tộc anh em, đây là dân tộc đông thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau dân tộc Kinh.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, người Tày (hay còn được gọi là người Thổ) ở Việt Nam ước đạt khoảng 1,85 triệu người, đứng thứ hai sau dân tộc Kinh. Tiếp theo sau đó là dân tộc Thái, với khoảng 1,82 triệu người; dân tộc Mường khoảng 1,45 triệu người và dân tộc H'Mông với khoảng 1,39 triệu người,...
Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, từ cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và là một trong những chủ nhân đầu tiên của nước Việt cổ, chủ yếu sinh sống tại các vùng núi Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang và Bắc Kạn,...Ngày nay, người Tày hiện diện tại tất cả 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Nhà truyền thống của người Tày bao gồm ba loại cơ bản: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất và nhà phòng thủ. Trong đó, nhà sàn là loại phổ biến nhất, có cấu trúc thường gồm năm gian, ba gian hoặc một gian, với hai chái và mái hình lưỡi rìu chéo, thấp hơn so với mặt sàn. Xung quanh sàn nhà thường được bao kín bằng tre, phên nứa hoặc ván gỗ, với ít cửa sổ. Bộ vì kèo thường có 3, 5, 7 cột kê hoặc những biến thể với 2, 4, 6 cột. Mái thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ, nứa hoặc ngói.
Nhà nửa sàn nửa đất thích hợp với địa hình dốc và thường chỉ xuất hiện ở vài nơi, đặc biệt là khu vực trung du gần rừng núi. Nhà phòng thủ có chức năng chủ yếu là phòng ngừa trộm cắp, thú dữ tấn công và thường chỉ thấy ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại Lạng Sơn, dạng nhà này đã chuyển thành nhà đất hai tầng, với tầng trên được xây bằng gỗ và mái lợp bằng ngói, trong khi tầng dưới có tường đất dày để tăng cường tính bảo vệ.
Trang phục của người Tày tương đối đơn giản, thường sử dụng màu chàm hoặc đen. Bộ y phục truyền thống được làm từ vải bông tự dệt, hầu như không có hoa văn giống trang phục của các dân tộc thiểu số khác. Phụ nữ Tày thường mặc áo dài đến bắp chân, thắt lưng để thả dài theo tà áo. Trang sức đi kèm gồm xà tích, vòng cổ, vòng tay và khuyên tai, chủ yếu làm bằng bạc.
Áo chàm của nam giới Tày có hai loại: áo ngắn cài cúc dọc theo ngực với hai túi và áo dài năm thân, cổ tròn đứng, cài cúc vải sát cổ phía trái và cạnh bên trái. Trang phục nam giới không có thắt lưng, để thân áo xuôi theo dáng người, tạo nét khỏe khoắn, mạnh mẽ.
Lương thực chính mà người Tày sử dụng hàng ngày là gạo tẻ. Ngoài cơm tẻ, họ còn dùng gạo tẻ và gạo nếp để nấu cháo, cơm lam, bún, cốm, nhiều món xôi và các loại bánh. Đặc biệt, món bánh trứng kiến được xem là đặc sản của người Tày. Nhân bánh được chế biến từ trứng của loài kiến đen xây tổ trên cành cây, sau đó đem xào với mỡ, muối, kiệu hoặc hành lá.
Đồng bào Tày đã khai thác các thung lũng và đồi núi vùng cư trú của mình thành những cánh đồng và ruộng bậc thang màu mỡ, vườn rừng với cây cọ, hồi và các loại cây ăn trái xanh tốt. Hiện nay, bà con dân tộc Tày ở nhiều nơi đã đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, kết hợp kỹ thuật canh tác truyền thống như xen canh, luân canh, gối vụ, và sử dụng cả phân bón vi sinh và hóa học; chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm. Người Tày có nhiều nghề thủ công như đan lát, dệt vải, nhuộm chàm, làm ngói máng và chế tác gỗ.
Với vị trí địa lý thuận lợi, gần kề đồng bằng Bắc Bộ và tiếp giáp với Trung Quốc, khu vực cư trú của người Tày ở Đông Bắc từ xưa đã diễn ra việc trao đổi buôn bán sầm uất, với nhiều chợ phiên nổi tiếng như chợ Kỳ Lừa, chợ Đồng Đăng ở tỉnh Lạng Sơn; chợ Quảng Uyên, chợ Trùng Khánh ở tỉnh Cao Bằng, hay chợ Chu và chợ Đu ở tỉnh Thái Nguyên,...