Đấu giá đất rồi bỏ cọc: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tiền đến 1 tỷ đồng
Trước tình trạng trả giá cao để đặt cọc rồi bỏ cọc, nhiều chuyên gia kiến nghị cần phải có biện pháp mạnh để xử lý và chấm dứt tình trạng này.
Có thể xử lý hình sự
Sau phiên đấu giá quyền sử dụng đất gây xôn xao dư luận vừa qua tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhóm người trả giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2 đất đã bị khởi tố.
Theo quy chế, phiên đấu giá đất tại Sóc Sơn diễn ra vào ngày 29/11 có 6 vòng bắt buộc. Tuy nhiên, điều bất thường đã xảy ở vòng đấu thứ 5, đó là một kháchhàng đã trả giá cho 3 lô đất tới mức 30 tỷ đồng/m2.
Sau phiên đấu giá quyền sử dụng đất gây xôn xao dư luận vừa qua tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhóm người trả giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2 đất đã bị khởi tố. |
Đến vòng 6, vòng cuối cùng để xét giá trúng, khách đồng loạt không trả giá. Điều này khiến 36 trong tổng số 58 lô đất đấu giá không thành, buộc huyện Sóc Sơn phải tổ chức đấu giá lại các lô này trong tháng 12.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết tại điểm b khoản 5 điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định: “Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây: Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản”.
Như vậy, hành vi thông đồng móc nối với người tham gia đấu giá là hành vi cấm theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016. Tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Hùng, tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 5 năm tù, phạt tiền đến 1 tỷ đồng, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm đối với cá nhân phạm tội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho rằng trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi bỏ cọc, khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được, hoặc tổ chức không thành công, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất của tội danh này có thể từ 2-7 năm tù.
Nếu nhóm người thông đồng với nhau để dìm giá, phá hoại cuộc đấu giá nhằm trục lợi thì hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự.
Do đó, theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ động cơ phạm tội vi phạm pháp luật, đánh giá làm rõ hành vi của nhóm người này, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP. Hà Nội khóa 16, các đại biểu HĐND đã nêu thực trạng thao túng đấu giá đất, đẩy giá lên cao nhằm phá hoại cuộc đấu giá, ví dụ như ở huyện Sóc Sơn. Nhóm người nâng giá lên 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ ngang, ảnh hưởng đến kết quả phiên đấu giá. Tương tự, tại huyện Thanh Oai, nhiều người tham gia đấu giá đất xong cũng bỏ…
Giá đất khởi điểm xác định theo bảng giá đất nên tiền cọc ít
Đại biểu Phùng Tân Nhị (tổ H. Ba Vì) cho biết, thời gian qua, một số địa phương chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra cho công tác đấu giá đất, trong đó đã xảy ra hiện tượng đầu cơ đất, quá trình đấu giá đã xảy ra tình trạng nâng giá đột biến, sau đó bỏ cọc.
Theo phân tích của đại biểu Nhị, hiện nay giá đất khởi điểm được xác định theo bảng giá của Nhà nước còn khá thấp nên tiền đặt cọc ít, khiến các đối tượng đầu cơ sẵn sàng bỏ cọc, gây ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.
Giá đất khởi điểm xác định theo bảng giá đất nên tiền cọc ít. |
Đại biểu Nhị đề nghị thành phố có hướng dẫn, chỉ đạo thêm theo hướng giá đất khởi điểm sát với giá thị trường, từ đó tiền đặt cọc sẽ được tăng lên theo giá đất, bảo đảm sự nghiêm túc trong công tác này.
Cùng quan tâm tình trạng "thổi giá" trong đấu giá đất, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Q.Hoàng Mai) kiến nghị thành phố làm rõ động cơ đưa giá bất động sản lên cao khiến người dân bình thường không thể mua được.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ, sau đó là khởi tố đối với: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân liên quan vụ trả 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá đất tại Sóc Sơn (Hà Nội).
Theo lời khai, trước khi đấu giá, nhóm người này đã xác định mức giá chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2 sẽ có thể bán chênh được nên để khống chế kết quả đấu giá, họ đã thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc.
Cụ thể, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng thì vào vòng 5 sẽ đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo. Rồi đến vòng 6 sẽ cùng thống nhất bỏ không tiếp tục tham gia nữa. Mục đích là phá không cho lô đất được trúng đấu giá thành công.
Với chiêu thức này đã có 36/58 lô đất bị họ thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 xong bỏ không đấu nữa. Cá biệt có Phạm Ngọc Tuấn trả tới mức 30 tỷ đồng/m2.
>>Phó Chủ tịch Hà Nội: Khởi điểm đấu giá đất ‘thấp ơi là thấp’, có nơi chỉ 1,7 triệu/m2
Định giá đất tăng cao khiến chung cư bị đẩy giá lên mức 'phi lý'
Doanh nghiệp bất động sản kiện UBND tỉnh Khánh Hòa về quyết định giá đất