Dè dặt chỉ tiêu lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí năm 2022

Dè dặt chỉ tiêu lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí năm 2022

29-04-2022 08:39|Minh Chiến

Cùng với rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường, một số doanh nghiệp dòng dầu khí cũng đồng loạt lên kế hoạch đi lùi trong năm 2022.

Chật vật vì tỷ giá

Nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4: Mỗi ngày mất 13 tỷ đồng nếu tiếp tục chậm tiến độ

Năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (POW) đặt mục tiêu doanh thu 24.242 tỷ đồng - giảm nhẹ 1% về doanh thu; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 64% so với mức thực hiện năm 2021 với 743 tỷ đồng.

PV Power cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn trong đó có vấn đề dịch bệnh, nguồn cung, nhà máy ngừng hoạt động để bảo trì,...

Quý I/2022, PV Power ước đạt tổng doanh thu 7.233 tỷ đồng - giảm 7% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 751 tỷ đồng - tăng trưởng 11%. Tổng sản lượng điện ước đạt 3.661 triệu kWh, vượt 37% kế hoạch và bằng 79% so với cùng kỳ.

Tương tự, Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas (GAS) đặt kế hoạch năm 2022 đi lùi so với năm ngoái với doanh thu đạt 80.043 tỷ đồng - giảm nhẹ 0,2% so và lợi nhuận sau thuế đạt 7.039 tỷ đồng - giảm tới 20% so với kết quả năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận kế hoạch thấp nhất của GAS trong vòng 10 năm nay.

Theo GAS, Tổng Công ty đang đối mặt nhiều thách thức, đó là xu thế chuyển dịch năng lượng, gia tăng nguồn năng lượng tái tạo và giảm huy động khí cho sản xuất điện, dự kiến giá LNG nhập khẩu ở mức cao.

Cùng với đó, thị trường kinh doanh LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt khi xuất hiện thêm các đối thủ mới.

Trong quý I/2022, GAS ước tính doanh thu đạt 25.300 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 41,7% và 34,2% so với thực hiện của năm ngoái.

Về kế hoạch thoái vốn tại CTCP Gas South (PGS), công ty hiện vẫn đang xem xét. Trong khi đó, GAS góp 51% vốn vào dự án Lô B - Ô Môn, dự án dự kiến hoàn thành trong 36 tháng sau khi ký hợp đồng. Hiện GAS đang chờ các quyết định của các bên đầu tư thượng nguồn và hạ nguồn.

Với CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (DCM), ông lớn ngành phân bón này cũng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đi lùi đến 72% với 513,2 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt là 9.059 tỷ đồng - giảm 9,8%. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm 2022 cũng giảm xuống 8%, so với mức 18% của năm 2021.

Lý giải cho sự thận trọng này, PVCFC cho biết, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm.

Về kế hoạch này, giới phân tích cho rằng đây là kết quả có phần thái quá, thiên về mục đích giúp doanh nghiệp làm đẹp các thông số tài chính đến thời điểm hết năm 2022.

Mới đây, DCM đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với tổng doanh thu ước đạt 4.028 tỷ đồng - tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.515 tỷ đồng - gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) lại không đưa ra kế hoạch cụ thể về doanh thu, lợi nhuận trong năm nay. Năm 2021, PAP ghi nhận doanh thu 0,32 tỷ đồng và lỗ 2,02 tỷ đồng.

PAP cho biết, hiện khu dịch vụ hậu cần Phước An cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (PAP đã chi 1.532 tỷ đồng cho hạng mục này), hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, dự toán hạng mục san lấp mặt bằng được đơn vị tư vấn thẩm tra sẵn sàng triển khai san lấp mặt bằng.

Cùng với các doanh nghiệp nêu trên, một số doanh nghiệp dòng dầu khí cũng đồng loạt lên kế hoạch đi lùi trong năm 2022.

CTCP Vận tải Dầu khí - PVTrans (PVT): Dự kiến năm 2022 đem về doanh thu 6.500 tỷ đồng và lãi trước thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 43% so với năm trước.

CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): Tiết lộ kế hoạch năm 2022 với 91.000 tỷ đồng doanh thu và 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 10% và 79% so với thực hiện năm 2021.

Tổng Công ty Gas Petrolimex (PGC): Thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu 3.529 tỷ đồng doanh thu - tăng nhẹ 5% so với thực hiện năm 2021; 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đi ngang so với cùng kỳ.

Có thể thấy, mỗi doanh nghiệp ngành đều có một bài toán riêng cần giải quyết trong năm 2022; việc đưa ra kế hoạch thận trọng cũng là một cách để giảm áp lực cho doanh nghiệp giúp thực hiện chỉ tiêu được ĐHCĐ giao phó.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-dat-chi-tieu-loi-nhuan-nhom-doanh-nghiep-dau-khi-nam-2022-125513.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dè dặt chỉ tiêu lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH