Mới đây, Bộ GTVT đã có báo cáo trình Chính phủ về tác động tăng giá nhiên liệu đến giá dịch vụ vận tải và kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này.
Theo đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa và giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các địa phương quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền có chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.
Bộ GTVT sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến chính sách giá dịch vụ hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng bay. Đồng thời, các Bộ, ngành xem xét ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.
Bộ GTVT cho hay, từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (11/1 - 11/3), đã có 6 kỳ điều hành giá. Giá xăng dầu các loại tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg, tương đương tăng từ 24,91 - 39,56%. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải, bình quân 35 - 50% tùy theo phương thức vận tải.
Trước đây, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí của hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với việc tăng giá xăng, dầu, hiện nay chi phí nhiên liệu đã chiếm tới 40 - 45% chi phí của vận tải đường bộ. Đường bộ là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động giá nhiên liệu, do đó các doanh nghiệp vận tải đường bộ cũng có xu hướng đề xuất điều chỉnh giá cước.
Đến nay có khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải đề bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10 - 15%. Giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7 - 10%.
Một doanh nghiệp vận tải muốn chi gần 5.000 tỷ đồng để đóng 4 tàu chở dầu mới
Siết trách nhiệm doanh nghiệp vận tải hành khách trong quản lý, sử dụng lái xe