Các chuyên gia cho rằng cần phải xem xét việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, các Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề cần phải xem xét việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Còn nhiều băn khoăn
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) cho rằng việc quy định như vậy là chưa đầy đủ, có thể dẫn đến không khả thi trong triển khai thực tế. Vị đại biểu đặt vấn đề: “Ở đây chưa làm rõ được Tổng liên đoàn lao động làm chủ đầu tư là với vai trò, tư cách như thế nào? Tài sản là nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư là để kinh doanh, hay là tài sản công, tài sản nhà nước. Sau khi đầu tư rồi thì việc quản lý, sử dụng, cho thuê như thế nào?”.
Đại biểu Thịnh đề nghị xem xét kỹ lưỡng việc quy định cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Bí thư huyện uỷ Hoài Đức (Hà Nội) cũng cho rằng việc triển khai dự án nhà ở cho công nhân nên giao cho chính quyền địa phương thực hiện chứ không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động.
“Chính quyền địa phương là người tổng hợp tất cả chương trình phát triển đô thị, biết rõ quy hoạch và bố trí lộ trình. Còn Liên đoàn lao động chỉ nắm về đối tượng, chính sách” - Đại biểu Trúc Anh nói.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, đây là nội dung mới so với Luật Nhà ở hiện hành nhưng chưa thống nhất với Điều 27 của Luật Công đoàn, chưa rõ khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thì tài chính dành cho các dự án đầu tư này sẽ lấy từ nguồn nào.
"Đây là vấn đề lớn, hệ trọng, không chỉ liên quan đến tính khả thi của chính sách mà cả đối với việc sử dụng tài chính Công đoàn. Nếu sử dụng nguồn thu này để thực hiện hoạt động đầu tư khi mà hoạt động này tiềm ẩn khả năng không bảo toàn nguồn vốn thì sẽ ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác của Công đoàn, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các công đoàn viên", cơ quan thẩm tra lo ngại.
Do đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ sự cần thiết và tính thống nhất, khả thi của chính sách này. Trường hợp vẫn giữ quy định này trong dự thảo Luật thì cần quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện để bảo đảm tính minh bạch, xác định rõ trách nhiệm về những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư, đồng thời sửa các quy định có liên quan của Luật Công đoàn để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chưa hợp lý
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đặt vấn đề, 2 Thiết chế Công đoàn chưa phát huy được hiệu quả, trường hợp Tổng Liên đoàn Lao động được giao đặc quyền để đầu tư các dự án nhà ở xã hội có thể tạo ra nguy cơ lãng phí nguồn lực.
LS Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân thích: Thứ nhất, Tổng Liên đoàn không phải là tổ chức kinh tế, vấn đề tháo gỡ chính sách để chủ thể này tham gia với tư cách chủ đầu tư vẫn chưa có một giải pháp toàn diện.
Thứ hai, Tổng Liên đoàn không phải là một chủ thể có năng lực phát triển, quản trị và kinh doanh bất động sản có thể gây rủi ro đối với tài chính Công đoàn, gây thất thoát, lãng phí.
Thứ ba, việc trực tiếp tham gia thị trường bất động sản của một chủ thể như Tổng Liên đoàn có thể gây sự bất bình đẳng với các chủ thể khác, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, phá vỡ sự vận hành của kinh tế thị trường trong phát triển nhà ở xã hội.
Từ những khó khăn vướng mắc trên, vị luật sư cho rằng không nên cố gắng gò ép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia trực tiếp đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng cho rằng tại Khoản 3 Điều 77 Dự thảo Luật Nhà ở có xác định về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp, mua, thuê, thuê mua…”, có nghĩa là làm nhà ở xã hội để bán.
Vậy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nên làm nhà ở xã hội để bán không hay chỉ nên làm cho người lao động thuê, còn như quy định này thì đây được xác định như một đơn vị kinh doanh bất động sản bình thường không phải đơn thuần là tổ chức chính trị - xã hội.
Điều 77 cũng giới hạn phát triển nhà ở xã hội chỉ cho đoàn viên công đoàn, vậy những người công nhân, người lao động vì một lý do nào đó chưa phải là đoàn viên công đoàn thì họ sẽ không được quyền mua nhà ở xã hội.
"Như vậy, Luật đang bỏ sót một đối tượng công nhân, người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn. Ngoài ra, Luật đang giới hạn đối tượng là đoàn viên công đoàn đang làm việc tại khu công nghiệp mới có quyền mua nhà ở xã hội còn đoàn viên công đoàn làm việc tại các cụm công nghiệp sẽ không được mua" - ông Châu bày tỏ.
Cần tháo gỡ bài toán về quỹ đất và nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội
Quốc hội yêu cầu sớm đề xuất mức thuế cao hơn với người nhiều nhà đất