Xã hội

Đền thờ rộng 5.000m2 được dát vàng 24K, nằm bên trong Khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng

Vĩ Hạ 11/10/2024 - 12:03

Ngôi đền này từng được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là lớn nhất Việt Nam vào ngày 15/08/2007.

Khu du lịch Đại Nam tọa lạc tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, được xây dựng bởi ông Huỳnh Uy Dũng (còn được biết đến với tên Dũng "lò vôi"). Hiện ông Huỳnh Uy Dũng giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn bà Nguyễn Phương Hằng là Tổng Giám đốc Điều hành khu du lịch này. Với diện tích rộng 450ha, Đại Nam được xem là khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á.

Một trong những công trình nổi bật trong Quần thể Đại Nam là đền Đại Nam (còn gọi là Kim Điện). Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 11/4/2003, hoàn thành vào ngày 2/9/2005 với tổng diện tích xây dựng là 5.000m2.

Toàn cảnh đền thờ Đại Nam từ trên cao. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Toàn cảnh đền thờ Đại Nam từ trên cao. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Kim Điện có diện tích tổng thể lên đến 9ha, với cổng chính hướng ra Quảng trường Đại Nam, hiện nay được biết đến là Hoa viên Quan Thế Âm Bồ Tát. Điểm nhấn của đền chính là các pho tượng thờ, phù điêu và vật dụng thờ cúng được dát vàng 24K. Công trình này cũng được sách kỷ lục ghi nhận là ngôi đền lớn nhất Việt Nam vào ngày 15/08/2007.

Bên trong Kim Điện. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Bên trong Kim Điện. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Chính điện của đền Đại Nam thờ ba pho tượng chính: Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Tổ phụ Hùng Vương và Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Bên trái điện là nơi thờ Mẹ Âu Cơ, Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Bách Gia Trăm Họ với 1.068 dòng họ của 54 dân tộc Việt Nam. Bên phải điện là trang thờ 18 đời vua Hùng Vương, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, Thành Hoàng và Tổ Đức.

Không gian linh thiêng và đậm chất Phật giáo. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Không gian linh thiêng và đậm chất Phật giáo. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Tất cả các pho tượng trong Kim Điện đều được làm từ chất liệu composite kết hợp với sợi thủy tinh, bên ngoài được dát vàng 24K, tạo nên sự trang trọng và bền vững.

Empty
Các bức tượng tại đây đều được mạ vàng. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Các bức tượng tại đây đều được mạ vàng. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Kiến trúc của Kim Điện tuân theo mô hình vuông tròn. Mái vòm tròn biểu trưng cho Trời, được trang trí với 108 con hạc - 54 con bay thuận chiều và 54 con bay ngược chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương của 54 dân tộc Việt Nam. Chính giữa mái vòm là điểm vọng âm, giúp khuếch đại âm thanh khắp Kim Điện.

Hình vuông được thể hiện qua 4 bức tường của đền thờ, với 28 bộ cửa, mỗi bộ nặng 500kg.

Một khung cửa được dát vàng. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Một khung cửa được dát vàng. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Trên nền cửa được chạm khắc 28 bộ tranh lịch sử quan trọng, ghi dấu những sự kiện tiêu biểu từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, Lý Bí... đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945; những chiến thắng lịch sử khác như trận Điện Biên Phủ năm 1954, thắng lợi rực rỡ mùa xuân lịch sử 30/04/1975...

Bên trong Kim Điện còn có hai cây nến Đại Hoàng Đăng, mỗi cây cao 2,7m, đường kính 90cm, được dự đoán có thể cháy trong suốt 1.000 năm, tượng trưng cho sự soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Lối kiến trúc dân gian kết hợp giữa tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng và vẻ đẹp của tứ quý Mai - Lan - Cúc - Trúc; đặc biệt tôn vinh vẻ đẹp của hoa sen - loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao, thuần khiết.

Ngày 1/7/2010, ông Huỳnh Uy Dũng đã thỉnh về hai viên xá lợi Phật từ Ấn Độ và đến ngày 13/7/2010, hai viên xá lợi này được an vị tại tháp Lưu Ly trong Kim Điện.

Không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng, khu vực này còn thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với núi non, sông hồ và cây cảnh, nổi bật là dãy núi Ngũ Hành Sơn (Bảo Sơn) gồm 5 ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, trong đó ngọn trung tâm cao 65,8m. Phía trước dãy núi là quần thể thắng cảnh, với thần Bạch Hổ trấn giữ phía Tây, Thần Núi và Thần Nông trấn giữ phía Đông. Dãy núi này còn là nơi cư trú của hàng ngàn con chim yến, biểu tượng của vùng "đất lành chim đậu".

Vươn lên từ ngọn núi trung tâm Bảo Sơn là ngôi Bảo Tháp 9 tầng. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Vươn lên từ ngọn núi trung tâm Bảo Sơn là ngôi Bảo Tháp 9 tầng. Ảnh: Đại Nam Văn Hóa Du Lịch Thể Thao

Trên đỉnh núi trung tâm Bảo Sơn là Bảo Tháp 9 tầng, nơi thờ phụng tâm linh và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đây là biểu tượng của lòng biết ơn và tôn vinh những người tiền nhân đã đóng góp cho đất nước.

Cụm công trình đền Đại Nam không chỉ là biểu tượng của sự tôn vinh văn hóa dân tộc, mà còn là nơi lưu giữ những tinh hoa của 4.000 năm văn hiến, ghi dấu những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

>> Trường đua 2.500 tỷ đồng chuẩn quốc tế đầu tiên và có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam: Được bà Nguyễn Phương Hằng 'thai nghén' ý tưởng xây dựng trong 24 giờ

Vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng nhận được lời nhắn đặc biệt từ các khán giả nhí

Bà Nguyễn Phương Hằng sẽ cùng ông Dũng 'lò vôi' tổng rà soát toàn bộ cơ nghiệp, đích thân đi kiểm tra Khu du lịch Đại Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/den-tho-rong-5000m2-duoc-dat-vang-24k-nam-ben-trong-khu-du-lich-lon-nhat-dong-nam-a-cua-vo-chong-ba-nguyen-phuong-hang-d135784.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đền thờ rộng 5.000m2 được dát vàng 24K, nằm bên trong Khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng
POWERED BY ONECMS & INTECH