Ngôi làng ở miền Tây Giang này vẫn nguyên thủy bản thể bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Phía Tây tỉnh Quảng Nam, lẩn khuất trong những cánh rừng già là những ngôi làng của đồng bào các dân tộc ít người. Cách trở về địa lý và những đặc thù phong tục nên những ngôi làng ấy có nhiều câu chuyện vừa huyễn hoặc, vừa là những mảnh ghép văn hóa độc đáo của vùng cao. Một trong số đó là làng Aur thăm thẳm giữa đại ngàn vùng Tây Giang.
Làng Aur nằm cheo leo trên dãy núi có độ cao hơn 1.000m, thuộc địa phận xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) và cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 180km. Đây là một trong những nơi có người sinh sống cách trở và khó khăn nhất ở vùng rừng núi Quảng Nam. Nhiều người lần đầu đến đây đã không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một ngôi làng tách biệt hoàn toàn với cuộc sống hiện đại.
Ở đây không có chợ, không có trạm y tế, không có sóng điện thoại, không có điện lưới quốc gia, không có đường giao thông cho phương tiện đi lại. Con đường duy nhất để vào làng là đường mòn đi bộ gần 20km nằm vắt vẻo giữa núi đồi quanh co và chỉ đủ diện tích cho một người đi qua, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm.
Thế nhưng, trên cung đường trekking như muốn vắt kiệt sức của con người ấy lại sở hữu khung cảnh thiên nhiên, núi rừng Trường Sơn rất đỗi hùng vĩ và tươi đẹp. Không chỉ có rừng, đan xen đó là những dòng suối chảy róc rách, êm đềm. Nhất là con suối Mơ ào ào hun hút như muốn nuốt chửng cả rừng già.
Đến nơi, du khách sẽ cảm thấy Aur như một ngôi làng sống ở trên trời. Xung quanh được luôn được bao phủ bởi bạt ngàn mây trắng. Chỉ cần xòe một bàn tay ra, bạn cũng như có cảm giác chạm vào trời xanh…
Dường như, chính vì sự nguyên thủy bản thể ấy mà ngôi làng đặc biệt này là nơi duy nhất của Quảng Nam còn lưu lại những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng xã Cơ Tu. Ở đó chứa đựng những giá trị chân - thiện - mỹ, những định nghĩa riêng về giá trị của hạnh phúc. Và đặt biệt, những quy định, tập tục của làng đã biến nơi đây thành một vùng đất xinh đẹp, được ví như thiên đường giữa đại ngàn Trường Sơn.
Vì sống sâu ở bên trong núi nên làng Aur gần như là biệt lập với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, cũng chính bởi điều kiện đi lại, phương tiện giao thông vào làng cũng rất khó khăn nên ở đây sống theo hình thức tự cung, tự cấp. Người dân không chỉ làm nương, rẫy như trồng khoai sắn, ngô, lúa… mà còn biết tổ chức, chăn nuôi nhiều lợn, vịt, bò, gà hay săn bắt các sản vật khác để chăm lo, phục vụ cho cuộc sống của mình. Bởi vậy, khi đi du lịch làng Aur, chắc chắn du khách sẽ nhìn thấy những cánh đồng ruộng bậc thang thẳng tắp, xanh mướt mát và rất đỗi bắt mắt.
Điều đặc biệt nhất ở làng Aur chính là người dân văn minh đến lạ lùng. Mặc dù làm nương rẫy nhưng họ không hề phá rừng mà ngược lại, lựa chọn sinh sống xen kẽ với rừng. Tự hái nấm quý, thảo quả và đào củ sâm ba kích… rồi gửi về xuôi để đổi lấy những vật dụng sinh hoạt cần thiết. Người dân ở đây không hề tham lam, họ luôn lấy vừa đủ để ăn, làm vừa đủ để sống; đồng thời để mùa đông sẽ không bị thiếu lương thực. Chính vì lý do đó, những hộ dân ở làng Aur luôn luôn có đầy những bồ lúa, khoai sắn trong nhà.
Mặc dù gọi là làng nhưng ở đây thực chất chỉ có 21 nóc nhà đối mặt vào nhau và tạo nên một hình vòng cung xinh xắn. Tất cả các ngôi nhà ấy đều ôm trọn lấy nhà Gươl – ngôi nhà Rông to lớn và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của gần 100 người dân tộc Cơ Tu trong bản.
Nhiều người đã từng đi du lịch làng Aur đều cho rằng, nơi đây rất xứng đáng được gọi là Singapore của Việt Nam bởi môi trường cực kỳ trong lành. Nếu đến làng vào một ngày tràn ngập nắng mai, bạn sẽ thấy ngôi làng đẹp ngỡ ngàng, sạch bóng. Đường vào làng hay ở ven những căn nhà bằng gỗ đều tươm tất đến không ngờ. Khắp bản, du khách sẽ chẳng tìm được một cọng rác hay túi ni lông nào cả. Rồi con suối đầu nguồn – nơi phục vụ cho nước sinh hoạt thì không ai dám đụng đến. Việc chăn nuôi gia súc, trâu bò lợn gà… đều được người dân trong bản dựng chuồng cho chúng ở một cánh đồng rộng mênh mông phía cuối con suối Tà Vắt, cách làng gần 2km. Như vậy, gia súc vừa được cách ly lại phòng tránh lây nhiễm bệnh tật cho con người.
Ít ai biết rằng, ở làng Aur còn đưa ra khá nhiều quy định về việc bảo vệ môi trường xung quanh. Cụ thể, mỗi ngày 3 lần sẽ tập trung quét dọn, nhà cửa, sân bản… Thậm chí, nhà nào có rác bẩn, bụi bặm thì sẽ bị nhắc nhở, phê bình kịch liệt.
Đặc biệt, người dân làng Aur cực kỳ thân thiện và mến khách. Già làng cho biết, người làng làm chung ăn chung và tiếp khách chung. Khách đến, cả làng sẽ góp mỗi nhà bát cơm, chén rượu, con cá nướng... nhà nào có đồ ăn thức uống gì sẽ mang tới để cùng đãi khách, cùng trò chuyện và cùng ca hát đến no say.
Dường như, giữa bộn bề của văn minh ngoài kia, giữa những xô lệch văn hóa ngày càng rõ nét, Aur và người làng vẫn còn giữ lại những gì thuần chất nhất của mình. Cùng chung nuôi khách, giữa bản làng ở tận cùng mây này dẫu đạm bạc nhưng cứ ân cần, thân thiết như người trong gia đình, dù chỉ là lần đầu gặp gỡ.
>> Ngôi làng sắp bị phá dỡ được cụ ông 90 tuổi hóa nơi hút 2 triệu khách