Dịch bệnh covid 19 kéo dài bất động sản nghỉ dưỡng thất thủ

18-06-2021 18:21|Như Nguyễn (Tổng hợp)

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven đô bắt đầu phát triển cách đây khoảng 5-6 năm nhưng thực sự nở rộ khoảng 3 năm trở lại đây. Gần đây, dù đại dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, nhưng BĐS nghỉ dưỡng ven đô vẫn có một lượng khách tương đối “trung thành”.

Theo một số chuyên gia BĐS, việc đầu tư BĐS nghỉ dưỡng ven đô trong thời điểm dịch bệnh chưa được kiểm soát có 2 vấn đề được đặt ra: Xu thế hiện nay là đi du lịch gần, không phải đi phương tiện công cộng, tiếp xúc với ít người. Nhưng ngược lại, khi dịch bệnh được kiểm soát, khách du lịch sẽ có nhiều lựa chọn, việc vắng khách có thể xảy ra như trước đại dịch, nhiều khu nghỉ dưỡng rơi vào cảnh đìu hiu.

Hơn nữa, hiện đầu tư giá một căn biệt thự nghỉ dưỡng đã hoàn thiện không hề nhỏ, tầm 7 tỷ đồng trở lên, lợi nhuận được chủ đầu tư cam kết 20%/năm, nhưng bài học về condotel tại Đà Nẵng, Nha Trang đang hiện hữu.

Liên quan đến đầu tư BĐS nghỉ dưỡng theo hình thức homestay tự phát, chị Nguyễn Trường An (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: "Để mua một quả đồi, xây dựng khu nghỉ dưỡng không hề khó. Tuy nhiên, với giá cho thuê được 2-12 triệu đồng/đêm thì chi phí vận hành không hề nhỏ. Homestay phải luôn sạch "như li như lau", không ẩm mốc. Quang cảnh xung quanh cũng phải liên tục dọn cỏ, chăm cây, trồng hoa mùa nào thức ấy, xen kẽ các tầng. Bể bơi cũng phải dọn, bảo trì, bảo dưỡng, thay nước thường xuyên".

Chị Nguyễn Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) đồng quan điểm khi cho rằng, để vận hành và duy trì lúc nào cũng sạch sẽ tươm tất theo chuẩn resort 4-5 sao là cả vấn đề, bởi làm cảnh quan rất tốn kém. Hơn nữa, xây dựng homestay cũng nên lựa chọn khu vực sao thu hút được nhiều khách.

"Căn homestay của gia đình tôi xây dựng được 3 năm nay, chỉ ngày cuối tuần mới đông khách nhưng tôi thực sự mệt mỏi khi phải vận hành, nhiều lúc muốn bán đi để đỡ vất vả", chị Hương nói.

Chung cảnh ngộ, một số nhà đầu tư ở Hà Nội bắt đầu không mặn mà với BĐS nghỉ dưỡng ven đô và loại hình homestay, vì chi phí vận hành quá lớn. Hằng năm, gia đình cũng chỉ lên nghỉ dưỡng 1 lần. Hơn nữa, khách hàng chỉ nghỉ cuối tuần ở các khu nghỉ dưỡng này 1 đêm, nhìn tưởng doanh thu đạt hiệu quả nhưng chưa thấy khoản lãi nào.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CTCP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô nhìn nhận, những người đầu tư homestay (hay second home) thường có hai lỗi lớn khiến dễ mất tiền. Một là dễ bị cảm xúc đánh lừa, họ thường vì một yếu tố nhỏ tác động mà bỏ qua tổng thể. Hai là khách hàng bị cảm giác hợp lý đánh lừa, vì "second home" là dành cho người giàu về thời gian và tiền bạc. Nếu nghĩ rằng mua xong dùng mà vẫn tăng giá để bán dễ dàng thì là sai lầm lớn nhất. Second home muốn bán lại không phải dễ, cần tìm người cùng gu mới bán được, thanh khoản cũng kém.

"Giá trị đầu tư cho cảm xúc không được định giá, khiến các giá trị đã đầu tư vào second home khi bán đi dễ bị gạt đi. Trong khi việc các dự án nghỉ dưỡng đang quá lạm dụng việc xây dựng như san núi, vạt cỏ, chặt cây làm mất đi cảnh quan môi trường của khu vực”, ông Trung nói.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dich-benh-covid-19-keo-dai-bat-dong-san-nghi-duong-that-thu-118477.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dịch bệnh covid 19 kéo dài bất động sản nghỉ dưỡng thất thủ
    POWERED BY ONECMS & INTECH