Điểm lại loạt tuyên bố cứng rắn gần đây của ông Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn trước các chuyên gia quốc tế về nhiều chủ đề, kể cả cuộc xung đột với Ukraine và chính sách hạt nhân của Moscow.
Theo đài RT, ông Putin đã tham dự phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi hôm 5/10. Tại đây, ông có bài phát biểu quan trọng về những vấn đề “nóng” hiện nay cũng như trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự sự kiện.
Buộc tội phương Tây
Tại hội nghị kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, ông Putin cáo buộc các nước phương Tây tích lũy sự giàu có và ảnh hưởng qua nhiều thế kỷ “mở rộng không ngừng”, thực hiện “chủ nghĩa thực dân và bóc lột kinh tế”.
Lãnh đạo Điện Kremlin tin mô hình như vậy được xây dựng dựa trên sự chế ngự và phớt lờ lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác. Ông nói đây cũng chính là nguồn gốc của những căng thẳng hiện nay và “chắc chắn sẽ đưa thế giới vào ngõ cụt”.
Kêu gọi “trật tự thế giới mới”
Ông Putin nêu ra 6 nguyên tắc về quan hệ quốc tế mà Nga muốn coi là nền tảng của một “trật tự thế giới mới, công bằng hơn”. Chúng bao gồm việc bác bỏ “các rào cản nhân tạo” giữa các quốc gia cũng như phản đối việc một cường quốc duy nhất ra lệnh theo ý nguyện của mình.
“Không ai có quyền kiểm soát thế giới bằng việc gây tổn hại cho những người khác hoặc nhân danh họ”, ông Putin bày tỏ.
Khẳng định Nga không tìm kiếm các vùng lãnh thổ mới
Theo ông Putin, Nga tập trung vào việc “bảo vệ người dân ở Donbass và Crưm” trong cuộc xung đột với Ukraine, thay vì “tìm kiếm các vùng lãnh thổ mới”. Ông tái khẳng định cuộc khủng hoảng hiện tại bắt nguồn từ vụ đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014, vốn trao quyền cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine và đã bị Crưm bác bỏ.
Ông Putin nhắc lại việc Crưm, bán đảo có phần lớn cư dân nói tiếng Nga, đã bỏ phiếu tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga ngay trong năm 2014. Trong khi, các khu vực Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraine cũng tuyên bố ly khai Kiev. Hai nước cộng hòa tự xưng này cùng với các vùng Kherson và Zaporizhzhia cuối cùng đã sáp nhập vào xứ sở bạch dương sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022.
Thống kê tổn thất của Ukraine
Ông Putin cho biết, Moscow ước tính hơn 90.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong chiến dịch phản công quân Nga, do Kiev phát động vào đầu tháng 6. Nhà lãnh đạo Nga thống kê thêm rằng, các lực lượng Kiev cũng bị mất 557 xe tăng và khoảng 1.900 xe bọc thép trong nỗ lực này.
Cả chính phủ Nga và Ukraine đều không công bố tổng số trường hợp thương vong chính thức của đất nước mình kể từ khi xung đột giữa hai bên bùng phát hồi cuối tháng 2/2022.
Quả quyết Moscow đã vượt qua các lệnh trừng phạt
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, nước này đã tái định hình thành công nền kinh tế theo hướng tự cung tự cấp và các thị trường mới kể từ khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên áp đặt các biện pháp hạn chế với Moscow vào năm 2014.
“Chúng tôi đã vượt qua mọi vấn đề nảy sinh từ các lệnh trừng phạt và bắt đầu giai đoạn phát triển tiếp theo”, ông Putin nói.
Nêu quan điểm về xung đột Nagorno-Karabakh
Ông Putin bác bỏ các cáo buộc cho rằng Moscow đã bỏ rơi đồng minh Armenia khi Azerbaijan tái lập quyền kiểm soát đối với vùng đất ly khai của người Armenia ở Nagorno-Karabakh vào tháng trước. Chiến thắng của Baku và sự giải tán của lực lượng quân sự địa phương đã dẫn đến việc người Armenia ồ ạt di cư ra khỏi khu vực.
Theo lãnh đạo Điện Kremlin, Nga đã làm mọi thứ có thể để hòa giải cuộc xung đột, đồng thời đề nghị với Yerevan một thỏa hiệp liên quan đến Nagorno-Karabakh. Ông đánh giá xung đột vũ trang là “không thể tránh khỏi”, sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan chính thức công nhận vùng đất này là lãnh thổ của Azerbaijan.
Cảnh báo khả năng Moscow từ bỏ hiệp ước hạt nhân trọng yếu
Theo ông Putin, nhà chức trách Nga đã hoàn tất công việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, phóng từ hầm chứa Sarmat “một cách hiệu quả”. Ông tiết lộ thêm, Moscow cũng thử nghiệm thành công tên lửa hành trình vận hành bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik.
Người đứng đầu Moscow cảnh báo, Nga có thể xem xét hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 vì hiệp ước này vẫn chưa được Mỹ thông qua. Ông cũng không loại trừ “những phản ứng tương tự” đối với các chính sách của Washington về vấn đề.
Ukraine thay tướng tại Donetsk, tấn công cơ sở dầu ở phía tây nước Nga
Ukraine bị tố cấp hàng trăm UAV cho lực lượng đối lập Syria để làm suy yếu Nga