Quốc tế

Đổ hàng tỷ USD vào mô hình chống ngập, các thành phố Trung Quốc vẫn chìm trong lũ

Thủy Tiên 06/08/2023 - 11:00

Số người tử vong do lũ lụt tại miền bắc Trung Quốc làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính hiệu quả của mô hình "thành phố bọt biển".

Đổ hàng tỷ USD vào mô hình chống ngập, các thành phố Trung Quốc vẫn chìm trong lũ
Nước sông Vĩnh Định dâng cao sau trận mưa lớn ở Bắc Kinh ngày 1/8.

Tờ Bloomberg đưa tin, chỉ tính riêng trong năm 2023, các trận lũ lụt đã ảnh hưởng đến ít nhất 30 triệu người ở Trung Quốc, với ít nhất 20 người chết trong vài ngày qua.

Những con số này đặt ra câu hỏi về sự chuẩn bị của quốc gia tỷ dân trước các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

"Thành phố bọt biển"

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để đối phó với những trận mưa lớn. Sau trận lụt năm 2012 khiến 79 người thiệt mạng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng các “thành phố bọt biển”.

Ý tưởng của việc này khá đơn giản: các thành phố ở quốc gia này sẽ sử dụng các khu vườn trên mái nhà, vỉa hè có thể thấm nước, bể chứa ngầm và các tính năng giống như miếng bọt biển khác để hấp thụ lượng mưa lớn và sau đó từ từ xả ra sông hoặc hồ chứa.

Từ đó, hàng chục thành phố của Trung Quốc, từ Bắc Kinh ở phía bắc đến Trùng Khánh ở phía nam đều cam kết thực hiện chuyển đổi.

Song, số người tử vong do lũ lụt tại miền bắc Trung Quốc kể từ ngày 29/7 đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính hiệu quả của mô hình này.

Thất thủ trước mưa lũ

Lấy ví dụ thực tiễn tại sân bay Đại Hưng - một trung tâm hàng không lớn ở ngoại ô Bắc Kinh.

Các hồ nước, bể chứa và hệ thống thoát nước của sân bay được thiết kế để hấp thụ lượng nước mưa tương đương với khoảng 1.300 bể bơi kích cỡ theo tiêu chuẩn Olympic.

Được coi là “sân bay bọt biển” đầu tiên, nhưng một phần đường băng của Đại Hưng vẫn bị ngập nước khi Bắc Kinh hứng chịu trận mưa kỷ lục.

Đổ hàng tỷ USD vào mô hình chống ngập, các thành phố Trung Quốc vẫn chìm trong lũ
Người dân đứng trên máy xúc để di chuyển qua khu vực ngập nước lũ ở tỉnh Hà Bắc hôm 3/8.

Tại tỉnh Hà Bắc lân cận, thành phố Hình Đài cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lớn, dù thành phố này nằm trong chiến dịch quốc gia kể từ năm 2016 nhằm bổ sung thêm nhiều công trình "bọt biển".

Tuy nhiên, lượng mưa tương đương 2 năm (1.003 mm) đổ xuống Hình Đài đã khiến 5 người thiệt mạng và một số vẫn mất tích chỉ trong 2 ngày.

Bên cạnh đó, vào cuối thập kỷ trước, thành phố Trịnh Châu đã đầu tư 53,3 tỷ nhân dân tệ (7,4 tỷ USD) để cải tiến cơ sở hạ tầng, biến thành phố thành "miếng bọt biển".

Tuy nhiên, vào năm 2021, một trận lũ kinh hoàng xảy ra đã khiến 380 người thiệt mạng và cuốn trôi số tài sản trị giá khoảng 41 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,7 tỷ USD).

Tại một số nơi, các cơ sở hạ tầng "bọt biển" chỉ chiếm một phần diện tích của thành phố và những khu vực khác vẫn bị ngập nặng, vì chúng được quy hoạch là khu vực xả lũ.

Lộ điểm yếu chí mạng

Mặc dù ban đầu sáng kiến “thành phố bọt biển” đã có tác dụng ở nhiều nơi nhưng chính quyền Bắc Kinh đã không tính đến một trường hợp ngoại lệ - đó là các sự kiện thời tiết có tính cực đoan.

Nhà nghiên cứu Li Zhao tại Greenpeace cho biết các cơ sở hạ tầng được thiết kế để đối phó với lượng mưa của năm 2014 đổ về trước. Còn những hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay đã vượt xa những gì mà hệ thống "bọt biển" có thể đối phó.

Đổ hàng tỷ USD vào mô hình chống ngập, các thành phố Trung Quốc vẫn chìm trong lũ
Căn nhà bị ngập tại quận Phòng Sơn ở Bắc Kinh, ngày 31/7.

“Các thành phố bọt biển là kế hoạch khá tốt khi mới được áp dụng, bởi nó là giải pháp tổng thể để giải quyết những vấn đề về nước ở đô thị, bao gồm kiểm soát ô nhiễm, quản lý nước mưa và giảm thiểu lũ lụt. Nhưng kế hoạch này đã bỏ qua các sự kiện bất thường và những thảm họa như lũ quét”, theo ông Hongzhang Xu, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia.

Trong khi đó, ông Ma Jun của Viện Công cộng và Môi trường đánh giá chiến lược “thành phố bọt biển” rất hữu dụng. Song, các chiến thuật đơn lẻ là không đủ để đối phó với trường hợp cực đoan và cần kết hợp với các biệp pháp khác. Ông nói ngay cả miếng bọt biển thật cũng chỉ hút được đến một lượng nước nhất định.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc cũng đang gây áp lực không nhỏ lên hệ thống thoát nước của quốc gia này.

Ông Hongzhang Xu đề xuất khôi phục các tuyến đường thủy bị bỏ hoang được xây dựng từ thời nhà Thanh để thoát lũ và chuyển hướng nước. Ông cũng khuyến nghị chính phủ Trung Quốc cải thiện hệ thống cảnh báo để giảm thiểu thiệt hại.

Phá kỷ lục của Trung Quốc, Mỹ xây dựng tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới: Trị giá 4 tỷ đô la, cánh quạt khổng lồ dài 106 mét

Trung Quốc: Các nền tảng số phải thực hiện đánh giá bảo mật dữ liệu định kỳ

Giao hàng siêu tốc chỉ trong nửa ngày tại Trung Quốc

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/do-hang-ty-usd-vao-mo-hinh-chong-ngap-cac-thanh-pho-trung-quoc-van-chim-trong-lu-195435.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đổ hàng tỷ USD vào mô hình chống ngập, các thành phố Trung Quốc vẫn chìm trong lũ
POWERED BY ONECMS & INTECH