'Đổ' hơn 1.000 tỷ vào Bphone, đâu là lý do BKAV của ông Nguyễn Tử Quảng nợ lương nhân viên nhiều năm?
Nhiều người lao động đã khởi kiện Công ty BHS để đòi tiền lương.
Vụ việc BKAV nợ lương người lao động trong thời gian dài là thông tin được dư luận khá quan tâm, bởi lẽ không phải chỉ một mà đồng thời nhiều công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn BKAV như Công ty Cổ phần Điện tử BHS, Công ty Cổ phần BKAV AI, Công ty Cổ phần BKAV Smarthome Global cùng không thể đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Theo thông tin từ Báo Lao Động, 3 lao động từng làm việc tại Công ty Điện tử BHS (do ông Nguyễn Tử Quảng làm người đại diện pháp luật) đã gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội về việc bị công ty này nợ lương.
Cụ thể, ngày 28/2/2024, ông Trần Xuân Hòa, bà Trịnh Huyền Nhi và bà Trần Thị Nhàn đã gửi đơn khởi kiện Công ty Cổ phần Điện tử BHS - Công ty con của Công ty Cổ phần BKAV về việc công ty này nợ lương người lao động trong thời gian dài.
Đơn khởi kiện của ông Trần Xuân Hòa nêu rõ, ông và Công ty Cổ phần Điện tử BHS có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm, từ ngày 16/12/2022 - 15/12/2025. Đến ngày 15/7/2023, hai bên có thoả thuận chấm dứt hợp đồng. Hiện công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương tháng 6 và tháng 7/2023 với số tiền 29.439.000 đồng cho ông Hòa.
Bà Trần Thị Nhàn và Công ty Cổ phần Điện tử BHS cũng có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 3 năm, từ ngày 12/1/2023 - 11/1/2026. Đến ngày 20/7/2023, hai bên có thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện nay, công ty này vẫn chưa thanh toán tiền lương các tháng 6, 7, 8 năm 2023 cho bà Nhàn, tổng số tiền hơn 74 triệu đồng.
Trường hợp đặc biệt lao động Trịnh Huyền Nhi, là mẹ bầu sắp đến ngày dự sinh nhưng vẫn bị công ty này nợ khoản tiền lương 70 triệu đồng, đồng thời bị mất chế độ thai sản. Theo cập nhật từ Báo Lao động, đến ngày 20/3 vừa qua, công ty của ông Nguyễn Tử Quảng đã trả nợ khoản tiền lương tới bà Trịnh Huyền Nhi.
Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Tập đoàn công nghệ BKAV trong buổi ra mắt sản phẩm Bphone |
Thông tin về việc này, đại diện Tập đoàn BKAV đã xác nhận với Báo Lao Động việc nợ lương đúng như thông tin phản ánh. Hiện Tập đoàn này đang làm việc với người lao động để tìm ra hướng giải quyết tối ưu.
Đại diện của BKAV cũng nêu nguyên nhân dẫn đến việc không thể thanh toán lương cho người lao động: "Như mọi người đã biết, năm 2015, BKAV đầu tư sản xuất điện thoại Bphone. Chúng tôi đã dành hơn 1.000 tỷ VND cho việc nghiên cứu, sản xuất với mong muốn phát triển ngành công nghiệp smartphone của Việt Nam.
Vì vẫn muốn thực hiện được việc đó nên chúng tôi đã gặp khó khăn. Bây giờ chúng tôi cần phải ưu tiên trước cho hoạt động sản xuất kinh doanh và lương của những người đang làm để giữ được mục tiêu ban đầu, từ đó mới có tiền để trả dần lương cho nhân viên cũ".
Ông Nguyễn Tử Quảng từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào sản phẩm Bphone, ông cho biết sẽ xây dựng nền công nghiệp smartphone do người Việt làm chủ, cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi trên thế giới ở mọi phân khúc.
Năm 2015, Bphone chính thức ra mắt sau quá trình 6 năm đầu tư, nghiên cứu, ông Nguyễn Tử Quảng đã gây xôn xao dư luận với những phát ngôn ‘’gây bão’’ như "Tim Cook có sang Việt Nam, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa chắc đã sản xuất được smartphone", "smartphone BKAV đẹp, cá tính hơn iPhone 6" và câu nói “Không thể tin nổi, thật tuyệt vời!” được ông nói nhiều lần trong buổi giới thiệu chiếc Bphone.
Ngay cả khi Vsmart thông báo ngừng sản xuất smartphone, CEO Bkav vẫn theo đuổi lĩnh vực này khi cho rằng "smartphone là tinh hoa công nghệ" và "trong hàng thập kỷ tới các công nghệ mới nhất của nhân loại sẽ vẫn xoay quanh smartphone". Thậm chí, ông Quảng còn khẳng định Bphone hoàn toàn có thể lọt top 2 thị phần trong năm 2023.
Đầu năm 2022, ông từng tiết lộ đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để phát triển Bphone, nhưng chưa thu về đồng nào. Ông cũng từng kêu gọi đầu tư tại group Bphone Fans Club trên Facebook, định mức đăng ký đầu tư được Bkav đưa ra là 100 triệu đồng, với mức lãi suất 10%/năm, trả lãi hàng tháng trước ngày 10 tháng sau. Sau 3 năm, nhà đầu tư được nhận lại tiền gốc và nhận thêm tiền mặt bằng số tiền gốc.
Có thể hiểu đơn giản là Bfan bỏ ra 100 triệu đồng đầu tư hợp tác kinh doanh cùng BKAV. Sau 3 năm, họ sẽ nhận về tổng cộng 100 triệu đồng tiền gốc, 100 triệu đồng tiền mặt bằng gốc và 30 triệu đồng tiền lãi, tổng cộng là 230 triệu đồng.
.>> Công ty BHS của CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng bị tố nợ lương không trả