Đô thị TPHCM hiện đại sau 50 năm đất nước thống nhất
Sau 50 năm thống nhất đất nước, TPHCM mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, táo bạo trên hành trình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.
Ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuyên suốt chặng đường dài lịch sử phát triển, nhiều công trình, biểu tượng còn ghi dấu mãi với thời gian, chứng kiến những dấu mốc, sự đổi thay của thành phố như UBND TPHCM, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà,...

Hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập) là một trong những địa chỉ lịch sử của TPHCM. Nơi đây đã chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Trụ sở HĐND và UBND TPHCM trên đường Lê Thánh Tôn là công trình kiến trúc cổ kính và lộng lẫy được xây dựng từ thời Pháp thuộc với phong cách kiến trúc Baroque tinh xảo; tòa nhà này nổi bật với các chi tiết điêu khắc tinh tế và vẻ ngoài trang nghiêm, trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố.
![]() | ![]() |

Bưu điện Trung tâm TP là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, mang đậm dấu ấn Pháp, nằm ngay cạnh Nhà thờ Đức Bà. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Villedieu và phụ tá Foulhoux, nổi bật với mái vòm lớn, hệ thống cửa sổ hình vòm, sàn gạch cổ điển và hai bản đồ lịch sử lớn vẽ trên tường ngay lối vào chính.

Bến Nhà Rồng là minh chứng lịch sử, ghi dấu bước chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước.
![]() | ![]() |

Được xây dựng từ năm 1914, chợ Bến Thành không chỉ là trung tâm buôn bán mà còn là di sản văn hóa của thành phố, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Chợ Bến Thành đã chứng kiến bao thay đổi và trở thành minh chứng sống động cho lịch sử và sự phát triển của TPHCM.
![]() | ![]() |
TPHCM những ngày tháng tư lịch sử nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi khắp nơi đều rực rỡ cờ hoa.

Từ một đô thị mang dấu ấn lịch sử, TPHCM đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm tài chính – công nghệ – sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Nhìn từ trên cao, hàng loạt cao ốc, biểu tượng hiện đại ấn tượng ghi dấu bên dòng sông Sài Gòn.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và những chính sách đầu tư bài bản, TPHCM không ngừng khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, sẵn sàng tiên phong đi đầu bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Công trường Mê Linh, quận 1, được ví như “trái tim” của khu bờ Tây sông Sài Gòn. Đây là nơi giao nhau 6 tuyến đường (từ trái qua) gồm Tôn Đức Thắng, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng và Thi Sách, xung quanh vòng xoay tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và ở giữa có một hồ nước nhân tạo đặt tượng Trần Hưng Đạo.
![]() | ![]() |

Những tòa cao ốc, khu đô thị thông minh khắc hoạ một TP trẻ trung, vừa hiện đại.

Ấn tượng khu đô thị Sala - khu dân cư cao cấp đầu tiên ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với không gian công viên xanh rộng lớn và hệ thống tiện ích đồng bộ. Nơi đây góp phần vào chiến lược phát triển một thành phố bền vững, nơi thiên nhiên hòa quyện với sự hiện đại.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Đến nay, Phú Mỹ Hưng đã trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giáo dục...ở khu vực phía Nam TPHCM.
Trong hình, Hồ Bán Nguyệt được xây dựng mô phỏng theo vịnh Singapore, nơi đây có vai trò như một “trái tim cộng đồng” liên kết và hài hòa với toàn bộ đô thị Nam Sài Gòn.
![]() | ![]() |
Hệ thống giao thông đa dạng từ đường bộ, đường thủy cho đến đường sắt đô thị... ngày càng ghi dấu ấn cho thành phố mang tên Bác. Trong ảnh, cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất TPHCM nối quận 7 với TP Thủ Đức nổi bật trên dòng sông xanh.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào vận hành chính thức vào cuối năm 2024 đánh dấu bước phát triển mới của hạ tầng giao thông TPHCM. Với tổng vốn đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng, metro số 1 dài 19,7 km đi qua 3 ga ngầm và 11 ga trên cao giúp kết nối trung tâm quận 1 với khu vực phía đông thành phố.
Kỳ vọng về một thành phố văn minh, hiện đại, nơi có hệ thống giao thông công cộng xanh, xứng tầm, với nhiều tiện ích dần được hiện thực hóa.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn.
Năm 1993, TPHCM bắt đầu cải tạo kênh và xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc theo kênh với tổng mức đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Khi dự án triển khai, hàng nghìn căn nhà lụp xụp được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16 km bờ kè, thi công 9 km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...
Đến nay, con kênh xanh chảy quanh nội đô không chỉ là điểm nhấn đô thị mà còn cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị.

Trong hành trình 50 năm qua, từ một nơi bộn bề khó khăn sau chiến tranh, đã vươn lên giữ vị thế trung tâm lớn về kinh tế, được ví như đô thị của những tòa nhà cao ốc hiện đại, TPHCM xứng đáng với tên gọi “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
>> TP.HCM sau sáp nhập: Dân số, diện tích và GRDP so sánh ra sao với Thượng Hải, Bangkok, Singapore?