Vĩ mô

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số

Anh Minh 25/10/2023 - 22:54

Trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp (DN); cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet và mạng xã hội rất cao…

DN cần nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP

Đây là ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số do Tạp chí Diễn đàn DN phối hợp tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ, chúng ta đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

"Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các DN, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045", ông Hoàng Quang Phòng nói.

Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực.

Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng DN; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet và mạng xã hội rất cao…

Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022, kinh tế số đã đóng góp 14,26% GDP. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

DN cần nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số - Ảnh 2.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) - Ảnh: VGP

Chính phủ đẩy mạnh số hóa thúc đẩy tiềm năng DN

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. "Chúng tôi đã cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng các quy định, giảm thiểu thủ tục hành chính, đổi mới các dịch vụ công".

Việc áp dụng giải pháp số đã mang đến những kết quả tích cực. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.480 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 388/1.086 thủ tục hành chính (TTHC); đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (đã công khai hơn 15.000 quy định kinh doanh); tạo ra kênh góp ý về các dự thảo quy định kinh doanh, tra cứu tìm kiếm quy định, gửi vướng mắc đề xuất, định kỳ hằng tuần, hằng tháng đánh giá nỗ lực quy định của các bộ, ngành; đưa ra nhóm chỉ số công khai minh bạch thông tin về quy định kinh doanh. Nhóm chỉ số mức độ hài lòng về chất lượng cải cách các quy định xếp hạng đánh giá nỗ lực cải cách quy định của các bộ, ngành.

Về đổi mới thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, ông Ngô Hải Phan cho biết: 55,3% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên hệ thống trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ. Hiện 100% địa phương đã triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Theo đó, tỉ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tại bộ, ngành đạt 24,48% và tại địa phương đạt 38,94%; cấp hơn 3 triệu bản sao chứng thực điện tử...

Với cộng đồng DN, ông Ngô Hải Phan góp ý, các DN cần tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân.

DN cần nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số - Ảnh 3.

Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số - Ảnh: VGP

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, điều tiên quyết là doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các DN cần tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ, phát triển các phương thức kinh doanh mới. DN ngày càng lớn mạnh thì càng tham gia tốt hơn vào nền kinh tế số và có cơ hội trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị cần có những chính sách, cơ chế rõ ràng trong quản lý hồ sơ qua mạng, đấu thầu qua mạng, cũng như chính sách chuyển đổi số cho DN nhà thầu.

Ông Hiệp thông tin: Trong ngành xây dựng, hiện đã có công nghệ này và đây thực sự là mô hình quản lý hiện đại hiệu quả - công nghệ BIM (Building Information Modeling) - quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình. Với công nghệ này, các đơn vị có thể quản lý thiết kế giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, tiết kiệm được rất nhiều về vật tư, nhân lực. Nhưng để thực hiện được thì cũng cần kinh phí rất lớn, thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu đầu vào, kết hợp với chủ đầu tư, tức là chủ đầu tư và nhà thầu có một cái sự đồng bộ với nhau.

Bà Đỗ Thị Thuý Hương, Uỷ viên BCH Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho biết, hoạt động chuyển đổi số góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN điện tử. Bà Đỗ Thị Thuý Hương khẳng định, đây là yêu cầu bắt buộc, nhất là các DN tham gia chuỗi cung ứng. Khi DN đầu chuỗi chuyển đổi số thành công, ứng dụng công nghệ hiện đại, bắt buộc các DN khác tham gia chuỗi cũng phải đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng và phát triển.

"Để chuyển đổi số thành công trong các DN sản xuất, quan trọng nhất bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu DN, nhất là các DN tham gia chuỗi. Chuyển đổi số với DN điện tử không chỉ để thích ứng và phát triển theo chuỗi mà còn tạo cơ hội để DN điện tử tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Việc chuyển giao không chỉ chuyển giao công nghệ lõi mà còn tiếp nhận chuyển giao quản trị sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng và quản trị nhân lực", bà Đỗ Thị Thúy Hương nói.

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Cam Liên

Xung đột Nga - Ukraine ngày 6/11: Nga tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng ở Mykolaiv

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-can-nam-bat-co-hoi-trong-nen-kinh-te-so-102231025175357138.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số
    POWERED BY ONECMS & INTECH