Doanh nghiệp du lịch lữ hành hồi phục ra sao sau đại dịch Covid 19?
Sau 9 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt đã vượt mục tiêu đón khách cả năm.
Bước qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi ngay từ đầu năm. Lượng khách du lịch nội địa có sự gia tăng mạnh mẽ, trong khi du khách quốc tế đang trở lại Việt Nam với ngày càng nhiều hơn. Điều này không chỉ là một tín hiệu đầy lạc quan, mà còn cho thấy rằng ngành du lịch đang từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Sự khởi sắc và phục hồi
Năm 2022 đã đánh dấu một bước khởi sắc quan trọng trong lĩnh vực du lịch Việt Nam khi Chính phủ quyết định mở cửa hoạt động du lịch vào trở lại vào tháng 3/2023. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2022 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,6 triệu lượt người, gấp 23 lần so với năm trước, tuy nhiên mới đạt 73% kế hoạch năm.
Lượng khách du lịch nội địa đạt 101 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
Cùng với sự phát triển của du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ra đời ngày cảng nhiều, đóng vai trò trung gian giữa khách hàng và các địa điểm du lịch. Cho tới nay có hơn 3.423 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (6/2023). Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hiện có 1.060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép. (tính đến 6/2022).
Thị trường du lịch sôi động thời gian gần đây cho thấy những tín hiệu khả quan trong ngành du lịch – lữ hành. Các công ty du lịch theo đó cũng đang trên đà khôi phục và phát triển lớn mạnh trở lại.
CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, VTR) được biết đến là công ty lữ hành lớn nhất nước với nguồn thu chính đến từ các tour du lịch quốc tế; đứng trước sức nén nhu cầu du lịch và đi lại của người dân và thương nhân, VTR đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để khai thác mở rộng hoạt động kinh doanh đến các thị trường mới ngoài các thị trường trọng điểm, như mở thêm tour theo tuyến, đường bay Hà Nội – Nha Trang, Nha Trang – Trung Quốc, Sài Gòn – Bangkok…
Nửa đầu năm vừa qua, VTR đã thành công chuyển lỗ ròng 115 tỷ đồng thành có lãi 23 tỷ đồng. Doanh thu thuần gấp 2,3 lần lên 2.713 tỷ đồng là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận. Theo Công ty, từ đầu năm 2023, các chính sách kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cũng như hầu hết các nước đã được tháo dỡ; cùng với đà phục hồi kinh tế, mở lại các hoạt động trong quan hệ giao thương giữa các nước trong tất cả các lĩnh vực đã đẩy mạnh ngành du lịch, hàng không trong và ngoài nước.
Bên cạnh thị trường du lịch hồi phục, một trong những nguyên nhân giúp VTR cải thiện kết quả kinh doanh so với năm ngoái là Công ty đã giảm sở hữu tại Vietravel Airlines xuống chỉ còn 13,7%.
Quý 3, đỉnh điểm của mùa du lịch, công ty lữ hành đặt mục tiêu đạt 207.041 lượt khách, doanh thu 1.709 tỷ đồng và lãi gộp 156 tỷ đồng.
CTCP Tàu Cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã SKG) ghi nhận doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ lên gần 249 tỷ đồng, LNST theo đó cũng ghi nhận gần 69 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ và đã vượt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG) cũng thể hiện sự tăng trưởng tốt với lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trở lại bình thường với doanh thu 6 tháng đạt 306 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng cao từ 56 tỷ lên 74 tỷ đồng và chi phí thuế thu nhập cao đã khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,1 tỷ đồng, giảm tới 49% cùng kỳ năm trước.
Ở mảng cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí, Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN) báo lãi tăng 20% lên 67 tỷ đồng, Dịch vụ du lịch Phú Thọ (UPCoM: DSP) chuyển từ lỗ 19,6 tỷ đồng thành lãi 20,8 tỷ đồng.
Đã vượt mục tiêu đón khách dù chưa hết năm
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng trước nhưng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1 triệu lượt người, giảm 13,4% so với tháng trước nhưng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2023 ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. 1 số địa phương ghi nhận doanh thu 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: TP.HCM tăng 24,6%; Đà Nẵng tăng 24,5%; Quảng Ninh tăng 22,5%; Hải Phòng tăng 13,8%; Hà Nam tăng 11,9%; Hà Nội tăng 10,5%...
Như vậy, dù còn tới 3 tháng nữa mới kết thúc năm nhưng ngành du lịch Việt Nam đã chính thức vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, trong khi còn cả mùa cao điểm cuối năm để đón khách quốc tế.
Đầu năm 2023, Thái Lan đã tăng mục tiêu đón khách quốc tế từ 10 triệu lượt lên 30 triệu lượt khi nhìn thấy các điều kiện thuận lợi. Indonesia cũng có điều chỉnh tương tự khi nhận thấy số liệu dự báo đầu năm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, du lịch Việt Nam cũng có thể đặt mục tiêu cao hơn trong những tháng cuối năm.