Do quy định lãi suất huy động USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (lãi suất 0%) có hiệu lực từ tháng 12/2015, các công ty hoạt động tại Việt Nam liên tục chịu chi phí cơ hội liên quan đến tiền gửi USD.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) tổ chức ngày 19/3, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát tốc độ tăng tín dụng của từng ngân hàng dựa trên các công cụ khác thay vì biện pháp hành chính.
Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) cho biết, do quy định lãi suất huy động USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (lãi suất 0%) có hiệu lực từ tháng 12/2015, các công ty hoạt động tại Việt Nam liên tục chịu chi phí cơ hội liên quan đến tiền gửi USD.
Theo KoCham, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất (0,25 - 4,50%) vào năm 2022 và các đợt tăng tiếp theo vào năm 2023, lãi suất cao dự kiến sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian đáng kể, chi phí cơ hội của tiền gửi USD đối với các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang tăng nhanh, trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết: “Chúng tôi đề nghị bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi USD (lãi suất tối đa 0%) đối với các doanh nghiệp đang gửi USD hoặc đầu tư trực tiếp của tiền gửi USD ở một quy mô nhất định hoặc trên một quy mô nhất định nhưng vẫn tuân thủ nền tảng và mục đích của các quy định liên quan”.
Đây cũng là quan ngại của Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham). Đại diện BritCham cho rằng, việc không áp dụng tính lãi đối với tài khoản ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài khi nhận được những khoản ngoại tệ lớn thay vì để trong một tài khoản không có lãi hoặc chuyển đổi khoản tiền đó sang Việt Nam đồng (VND). Do đó, BritCham đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các quy định này để đảm bảo môi trường cạnh tranh.
Những kiến nghị về việc bỏ trần huy động lãi suất USD đã được nhiều doanh nghiệp kiến nghị trước đó. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra các thông điệp rõ ràng hơn về vấn đề này. Theo đó, nhà điều hành khẳng định: "Nhờ kiên định theo đuổi chính sách chống đô la hóa nên những năm gần đây, thị trường dần đi vào ổn định".
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, thực tế, việc áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% cũng không ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn nước ngoài và kiều hối về Việt Nam tại thời điểm này bởi nguồn vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu dựa trên lợi thế môi trường đầu tư thuận lợi, lợi thế so sánh của nền kinh tế chứ không phụ thuộc nhiều vào lãi suất tiền gửi.
Mặt khác, do lãi suất huy động USD 0% nên thay vì giữ đồng bạc xanh và tài sản khác với mục đích phòng thân, người dân đã “quy đổi” ra VND gửi tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. Chính vì thế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại được lượng ngoại tệ lớn từ thị trường, củng cố dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ thêm về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Tiến Dũng Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định hạ lãi suất điều hành xuống 1% và hạ lãi suất cho vay qua đêm 1%.
"Đây là một tín hiệu khá tốt với thị trường. Thông qua việc hạ lãi suất này, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và chúng ta thấy có cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tạo động lực tốt cho phát triển sản xuất kinh doanh", Phó thống đốc khẳng định.