Doanh nhân là chủ dự án tàu ngầm 'made in Vietnam' thông báo muốn chuyển nhượng lại cho người 'đủ tâm huyết'
Những chiếc tàu ngầm vẫn được nằm dưới bể nước và chưa mang ra biển.
Mới đây, trên trang cá nhân của ông Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã có bài chia sẻ về việc sẽ dừng dự án tàu ngầm mà ông theo đuổi trong thời gian dài vì lý do tài chính và sức khỏe.
Cụ thể, vị doanh nhân đã viết: "Vì khả năng tài chính và sức khoẻ không cho phép mình tiếp tục dự án đuợc nữa. Mình sẵn sàng chuyển nhượng dự án tầu ngầm này cho ai có khả năng và đam mê với tầu ngầm mini".
Ông Nguyễn Quốc Hòa chia sẻ trên trang cá nhân |
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, xuất thân là kỹ sư hóa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và kỹ sư cơ khí chuyên ngành khuôn mẫu của Đức, đã ấp ủ ý tưởng chế tạo tàu ngầm từ lâu. Xuất phát từ việc phải bỏ ra nhiều triệu USD để mua tàu ngầm nước ngoài, ông đã nảy sinh ra ý tưởng thiết kế tàu ngầm "made in Việt Nam" để bảo vệ chủ quyền và thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng biển Việt Nam.
Ảnh: Facebook Quoc Hoa Nguyen |
>> Cổ phiếu bị bán mạnh, Đất Xanh Group (DXG) đề nghị Công an xác minh vụ tố cáo ông Lương Trí Thìn
Năm 2013, ông Hòa cùng đội ngũ kỹ sư đã chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa 1 với công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập). Tàu ngầm này có chiều dài 8,8m, cao 3m, có khả năng lặn sâu 50m và hoạt động trên biển trong 15 ngày. Tháng 1/2014, sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Trường Sa 1 trên hồ, ông Hòa đã mang tàu ngầm về xưởng và trưng bày.
Năm 2015, ông tiếp tục cải tiến và chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa 2. Tàu này có chiều dài 9m, nặng 22 tấn, sức chứa tối đa 6 người, vận tốc 35km/h, lặn sâu 250m và tầm hoạt động 3.000km.
Ảnh: Facebook Quoc Hoa Nguyen |
Có thể thấy khi đã ở tuổi 67, bên cạnh việc điều hành doanh nghiệp cơ khí tại địa phương, ông Hòa vẫn luôn trăn trở với dự án tàu ngầm mini khi ông mong muốn được chuyển giao dự án này cho người kế nhiệm có đam mê giống mình.
Không chỉ tàu ngầm, nhiều người Việt Nam khác cũng đã tự chế tạo các sản phẩm gây chú ý. Ông Trần Văn Tâm ở TP. HCM đã chế tạo thành công chiếc ô tô 4 chỗ chạy điện, có thể hoạt động 160km với tốc độ 50km/h. Xe được sản xuất thủ công, sử dụng động cơ 60V và pin lithium.
Tại Tây Ninh, ông Trần Quốc Hải cùng con trai đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm đặc biệt, trong đó nổi bật là chiếc trực thăng nặng 680kg, dài 11m, rộng 2,3m, cao 3,5m, với động cơ tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc đạt 150km/h. Chiếc máy bay này đã được khách hàng nước ngoài mua khi đang triển lãm ở Singapore năm 2005.
Dù chưa rõ điều kiện chuyển nhượng dự án tàu ngầm của kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa, thông tin này đã thu hút sự quan tâm lớn. Nhiều người bày tỏ sự nuối tiếc về quyết định của ông Hòa, đồng thời quan tâm đến số phận của những chiếc tàu ngầm đã được ông chế tạo. Những người quan tâm đến dự án đang chờ đợi những bước tiếp theo và hi vọng dự án này sẽ tiếp tục được phát triển dưới tay người kế thừa xứng đáng.
Hải Phòng xử phạt hàng loạt doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội
Tổng Giám đốc doanh nghiệp sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam vừa xin từ nhiệm