Xã hội

Đòi nợ trái luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Thái An 12/05/2024 - 09:37

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để đòi nợ thì nhóm đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào?

Các đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản vừa bị Công an quận Đống Đa khởi tố Ảnh: Công an cung cấp.
Các đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản vừa bị Công an quận Đống Đa khởi tố Ảnh: Công an cung cấp.

Mạo danh thương binh để gây sức ép con nợ

CA quận Đống Đa, Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng Trần Thị Xuân Huyền, SN 1968; Nguyễn Thị Kim Xuân, SN 1977; Nguyễn Thị Duyên, SN 1978 và Đỗ Văn Đường, SN 1958, cùng trú tại Hà Nội để tiếp tục điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nạn nhân là bà L.B.L, SN 1961, trú quận Đống Đa, Hà Nội. Trước đó, theo thông tin ban đầu, tháng 1/2024, bà L vay Huyền số tiền 250 triệu đồng. Khoảng 1 tháng sau, người phụ nữ tiếp tục vay thêm 2 tỷ 750 triệu đồng và thỏa thuận lãi 10 triệu đồng/ngày. Hai bên viết giấy đặt cọc bán nhà 3 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng, có chứng kiến của đối tượng Xuân và Duyên. Không lâu sau đó, bà L tiếp tục vay thêm số tiền 180 triệu đồng, nâng tổng số tiền lên hơn 3 tỷ đồng. Sau khi bà L trả được 100 triệu đồng thì không còn khả năng trả lãi nên Huyền cùng các đối tượng đến gặp người phụ nữ này để đòi tiền. Bị phủ nhận việc vay nợ nên nhóm đối tượng đã chửi bới, đe dọa bà L trả tiền.

Sau đó, Huyền viết giấy ủy quyền cho Đỗ Văn Đường đòi nợ. Đường cùng 4 người khác đỗ xe ba bánh "thương binh" trước cửa nhà bà L gây sức ép. Do không chịu được sức ép, bà L trình báo CQCA. Làm việc với CQCA, bà L cho biết, bản thân không vay nợ số tiền 3 tỷ đồng từ Huyền mà cùng Huyền, Xuân, Duyên nhận số lô, đề. Tuy nhiên, do "ôm" số lô, đề của người chơi số tiền lớn nên bị thua nhiều tỷ đồng dẫn tới việc bà L phải chi 2,5 tỷ đồng để trả cho khách. Do bà L không có tiền phải viết giấy bán nhà 3 tỷ đồng.

Nhận định từ luật sư

Qua vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để đòi nợ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, người có nghĩa vụ trả nợ, trả tiền trong các giao dịch dân sự phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình theo thỏa thuận. Đồng thời cũng quy định người có quyền đòi nợ được quyền nhắc nợ, yêu cầu người nợ tiền phải trả nợ theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của con nợ để đòi nợ thì đây là hành vi cướp tài sản, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cướp tài sản” theo Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn trường hợp đòi nợ hoặc thuê người khác đòi nợ bằng cách đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần sẽ bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp uy hiếp tinh thần của con nợ để đòi số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hình phạt là phạt tù sẽ từ 12 năm tù đến 20 năm tù.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, trong vụ việc nêu trên, trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng đã có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để đòi nợ với số tiền là 3 tỷ đồng thì nhóm đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù theo quy định tại khoản 4 Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015. Đặc biệt, một số đối tượng trong vụ việc này đã có hành vi mạo danh thương binh để thực hiện tội phạm. Hành vi này có thể được xác định là hành vi phạm tội tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng cựu chiến binh, của Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ điều tra, làm rõ để xử lý, nếu có hành vi mạo danh thương binh để phạm tội thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ lời khai của người bị hại để xác định có hành vi chơi lô đề hay không để xử lý về tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc trái phép”. Đồng thời, làm rõ có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng nhận định, đây là vụ án hình sự phức tạp, có liên quan nhiều đối tượng và nhận thức có thể khác nhau. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ thận trọng xác minh làm rõ hành vi của từng đối tượng, làm rõ động cơ mục đích, nhận thức và hành vi cũng như đánh giá hậu quả để xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Phá chuyên án cho vay nặng lãi, thuê người đến tận nhà siết xe, đòi nợ

HBC lại điều chỉnh kế hoạch chào bán riêng lẻ, giảm giá cổ phiếu phát hành hoán đổi nợ

Công ty quản lý nợ của Eximbank - đơn vị có cán bộ 'máy móc' đòi nợ 8,8 tỷ đồng vụ thẻ tín dụng làm ăn ra sao?

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/doi-no-trai-luat-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đòi nợ trái luật sẽ bị xử lý như thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH