Đổi tên 24 bệnh viện
Thông tin này được Sở Y tế TP. HCM đưa ra trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2025.
Chiều 9/7, Sở Y tế TP. HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm 2025, với sự tham dự của ông Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. HCM.
Tại hội nghị, BS CKII Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, cho biết sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, Sở Y tế sẽ tổ chức hoạt động tại 3 trụ sở đặt tại phường Bến Thành, phường Bình Dương và phường Bà Rịa. Hiện toàn thành phố có 168 trạm y tế và 296 điểm trạm, trong đó 125 trạm sẽ được nâng cấp đạt chuẩn diện tích tối thiểu 500 m² theo quy định của Bộ Y tế, hướng tới vận hành như những “bệnh viện mini”.

Việc sáp nhập 3 địa phương đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất vàtỷ lệ dân số phục vụ của hệ thống y tế thành phố. Dân số TP. HCM tăng mạnh từ 9,9 triệu lên 13,7 triệu người, kéo theo số bệnh viện tăng từ 134 lên 164. Tuy nhiên, tỷ lệ giường bệnh trên mỗi vạn dân lại giảm từ 42 xuống 35, tạo ra áp lực lớn trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận và chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Nhằm phù hợp với đơn vị hành chính mới, Sở Y tế sẽ trình UBND TP. HCM phê duyệt đổi tên 24 bệnh viện. Đồng thời, kế hoạch sắp xếp và hợp nhất các trung tâm chuyên ngành đang được triển khai, bao gồm 3 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, 3 Trung tâm Giám định y khoa và 3 Trung tâm Pháp y. Ngành y tế cũng đang hoàn thiện Đề án sáp nhập Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định và kế hoạch xây dựng cơ sở mới của Bệnh viện Từ Dũ tại huyện Cần Giờ.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn ngành ghi nhận hơn 22,4 triệu lượt khám ngoại trú, tăng 10,5% so với cùng kỳ và hơn 1 triệu ca điều trị nội trú, tăng 10%. Tỉ lệ trạm y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 80%, số lượt khám tăng 38%, phản ánh hiệu quả bước đầu của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các mô hình như bác sĩ gia đình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tầm soát ung thư, hay việc đưa bác sĩ trẻ về xã đảo… đang góp phần tích cực nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Sài Gòn vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Internet
TP. HCM tiếp tục kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh, trong đó dịch sởi đã được chấm dứt, COVID-19 được khống chế và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng được duy trì ổn định. Từ tháng 6, toàn bộ cơ sở y tế trên địa bàn đã chuyển sang nền tảng số nhằm giám sát dịch tễ toàn dân.
Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe học sinh được lập, hơn 526.000 người cao tuổi được khám sức khỏe, đồng thời triển khai thí điểm chăm sóc răng miệng học đường. Sở Y tế đang triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân theo từng giai đoạn cuộc đời, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững.
Trong lộ trình chuyển đổi số, các bệnh viện sẽ hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 30/9. Bên cạnh đó, ngành y tế đang xây dựng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), liên thông dữ liệu sức khỏe với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và nền tảng VNeID theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế, bao gồm công nghệ sinh học, dược liệu, trí tuệ nhân tạo, đồng thời định hướng thành lập Viện Nghiên cứu Y sinh học lâm sàng tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhằm phát triển y học hiện đại. Sau sáp nhập, Sở Y tế TP. HCM hiện có hơn 250 nhân sự.
>> Chính thức đổi tên 2 trường THPT chuyên nổi tiếng Việt Nam