Chính thức đổi tên 2 trường THPT chuyên nổi tiếng Việt Nam
Đây chính là hai trường chuyên đầu tiên đổi tên sau sáp nhập tỉnh, thành.
Theo VietNamNet, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, THPT chuyên Bắc Giang vừa được đổi tên thành Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 1 và số 2 sau khi hai địa phương chính thức sáp nhập.
Thông tin trên được một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh chia sẻ sáng 6/7. Từ ngày 1/7, UBND tỉnh Bắc Ninh mới (được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) ký quyết định đổi tên các trường chuyên sau khi hoàn tất việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn.

Theo quyết định này, Trường THPT chuyên Bắc Ninh được đổi tên thành Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 1, trong khi Trường THPT chuyên Bắc Giang mang tên mới là Trường THPT chuyên Bắc Ninh số 2.
Cả hai trường nằm trong số 80 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh. Việc thay đổi tên trường có hiệu lực kể từ ngày 1/7.
Sau quá trình sáp nhập tỉnh, thành, nhiều địa phương trong cả nước hiện có từ 2-3 trường chuyên. Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc đổi tên trường chuyên sau khi số lượng tỉnh, thành được sắp xếp giảm từ 63 xuống còn 34.
Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ GD&ĐT cho biết, trong năm 2025, quá trình rà soát chương trình và sách giáo khoa sẽ được triển khai trong bối cảnh cả nước thực hiện sáp nhập cấp tỉnh. Bộ đã xác định một số môn học sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính, bao gồm: Lịch sử và Địa lí lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lí lớp 12; Lịch sử, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10.

Đối với các môn học này, Bộ sẽ tiến hành các bước chỉnh sửa chương trình theo đúng quy định. Những điều chỉnh sẽ bao gồm cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và các thông tin kinh tế - xã hội, làm cơ sở để chỉnh sửa sách giáo khoa tương ứng.
Giáo viên và nhà trường được trao quyền chủ động trong việc sắp xếp các chủ đề học tập, đồng thời cập nhật cũng như bổ sung nội dung sao cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy học và thực tiễn tại địa phương.
Trong năm học 2025-2026, các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục sử dụng chương trình và sách giáo khoa hiện hành, đồng thời chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy sao cho phù hợp với tình hình mới, mô hình chính quyền hai cấp.