"Đòn bẩy" phát triển công nghiệp Thái Bình

21-07-2023 09:55|Minh Huệ

Thái Bình nổi tiếng có nền nông nghiệp phát triển nhất vùng Duyên hải Bắc bộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỉnh đã chuyển mình phát triển công nghiệp và đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư.

Từ đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đưa xuất khẩu chuyển hướng

Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thái Bình sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa trong nguồn hàng hóa xuất khẩu. Đây là chiến lược được tỉnh đặt ra để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn tới.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Bình đã xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho sản xuất mặt hàng xuất khẩu địa phương, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, với các sản phẩm chế biến chế tạo, tỉnh sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử; viễn thông.

những năm gần đây, tỉnh chuyển mình phát triển công nghiệp và đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư.

Cùng với đó, Thái Bình sẽ tập trung phát triển các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao (thiết bị điện tử, cơ khí, máy móc). Định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ nâng công suất các nhà máy và đổi mới công nghệ, năng lực sản xuất, thiết kế sản phẩm (với lĩnh vực dệt may, da giày).

Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất cuối cùng với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển dần lên mức cung ứng cao hơn. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI có công nghệ hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng ở bậc cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng đó, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh việc chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia khi tham gia các chuỗi cung ứng.

Theo thống kê, Thái Bình hiện có 234 doanh nghiệp dệt may, da giày. Trong đó, có 44 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gồm 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 39 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) của Thái Bình tăng 7,77% (đứng thứ 10 cả nước và thứ 5 khu vực Đồng bằng sông Hồng), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp tới hơn 70% vào chỉ số tăng trưởng của tỉnh (tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước).

... đến chuyển mình phát triển công nghiệp

Xác định công nghiệp là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các nhiệm vụ phát triển công nghiệp, và có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm. Tỉnh Thái Bình xếp thứ 3/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư các dự án công nghiệp được tỉnh Thái Bình đẩy mạnh, nhất là thu hút các dự án FDI quy mô lớn vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp.

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Hiện, tỉnh Thái Bình đã thu hút được một số dự án khá lớn như: Trung tâm nhiệt điện, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Dự án sản xuất túi khí, tay lái ô tô của Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng, Dự án sản xuất chân kết nối Ram máy tính của Công ty TNHH Lotes Việt Nam, Dự án sản xuất thiết bị làm vườn của Công ty TNHH Greenworks Việt Nam, Dự án sản xuất phụ kiện gia đình, đèn chiếu sáng và đồ nội, ngoại thất của Công ty Jeanson Industrial Limited…

Tổng quan về Khu công nghiệp Liên Hà Thái

Để phát triển công nghiệp thời gian qua, công tác xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh được triển khai có chiều sâu và thực chất. Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sớm tổ chức đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc; Gặp gỡ, giao lưu, làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, ký được một số thỏa thuận hợp tác đầu tư quan trọng với các đối tác lớn. Nổi bật nhất là việc ký thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa UBND tỉnh với liên danh các nhà đầu tư về việc thành lập khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, khi được thành lập đây là khu công nghiệp Dược - Sinh học đầu tiên của cả nước.

Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam dưới sự chứng kiến của 2 nguyên thủ quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc về hợp tác đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, khu công nghiệp…

Hiện tại Thái Bình có 2 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy và khu công nghiệp Hải Long, huyện Tiền Hải tiến độ thu hút đầu tư cũng rất khởi sắc.

Trong đó, khu công nghiệp Liên Hà Thái được triển khai với tiến độ rất nhanh, đến nay đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đã thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hơn 2 năm tính từ lúc bắt đầu triển khai. Đây là một động lực quan trọng, cũng là kinh nghiệm tốt để Thái Bình phát triển trong những năm tiếp theo.

Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển công nghiệp cũng được tỉnh Thái Bình đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, làm tăng đáng kể vị thế của Thái Bình trong vùng, kết nối với các địa bàn quan trọng khác. Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình; tuyến đường bộ ven biển Thái Bình - Hải Phòng sắp tới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhất là các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ; công nghiệp cảng biển và du lịch.

Thái Bình sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa trong nguồn hàng hóa xuất khẩu là chiến lược được tỉnh đặt ra để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn tới.

Theo ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh: Để Thái Bình tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, đặc biệt tiếp tục nâng cao hơn nữa về chỉ số phát triển công nghiệp, dich vụ, tỉnh đã yêu cầu các thủ trưởng sở, ngành, địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch đã đạt được và mục tiêu 2023; đặc biệt là các chỉ tiêu chưa hoàn thành, hoàn thành ở mức thấp. Trên cơ sở đó, tỉnh có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023.

Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị, nhà ở, đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và công trình giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm như các khu công nghiệp: Liên Hà Thái, Hải Long, Tân Trường, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình; cải tạo thu hút đầu tư mới các khu đô thị như khu đô thị ven sông Trà Lý… Đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện dự án điện khí LNG...

Đặc biệt, UBND tỉnh sẽ tiếp tục cụ thể hóa những nội dung đã thống nhất tại buổi làm việc, các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư (MOU) nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao, các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh.

Bí thư Thái Bình Ngô Đông Hải làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Profile của doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc cùng Vingroup (VIC) thực hiện dự án gần 20.000 tỷ đồng

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/don-bay-phat-trien-cong-nghiep-thai-binh-247823.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Đòn bẩy" phát triển công nghiệp Thái Bình
    POWERED BY ONECMS & INTECH