Đồng Nhân dân tệ tăng giá tác động thế nào đến doanh nghiệp Việt?

07-03-2022 14:16|Minh Khuê

Theo kịch bản thông thường, đồng Nhân dân tệ tăng cao sẽ khiến nhập khẩu của các nước khác vào thị trường Trung Quốc được hưởng lợi, tuy nhiên đại diện một doanh nghiệp Việt Nam cho biết, bức tranh kinh doanh thực không chỉ có lợi.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang tiếp tục đẩy giá nguyên liệu thô lên cao, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc sụt giảm lợi nhuận khi đồng Nhân dân tệ (CNY) mạnh lên so với đồng USD.

Theo Trung tâm Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc, ngày 1/3, tỷ giá giữa đồng CNY với đồng USD đã tăng 208 điểm so với ngày hôm trước, lên 6,3014 CNY đổi 1 USD. Đây là mức tăng cao nhất kể từ 20/4/2018 và là mức tăng mạnh nhất kể từ 20/10/2021.

Trước đó, ngày 28/2, tỷ giá hối đoái của CNY và USD trên thị trường trong nước Trung Quốc cũng ở mức 6,3025 CNY đổi 1 USD, chạm mức cao mới trong gần 4 năm qua.

Theo đó, việc đồng CNY tăng cao sẽ khiến nhập khẩu của các nước khác vào thị trường Trung Quốc được hưởng lợi. Cụ thể, giá hàng nhập khẩu từ các nước khác tính ra đồng CNY rẻ đi, thúc đẩy nhập khẩu từ các nước khác vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp Việt Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, bức tranh kinh doanh thực không chỉ có lợi.

Theo doanh nghiệp này, khi đồng CNY tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu, ví dụ như với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Đây là các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu do vậy nếu giá cao vẫn phải mua. Do đó, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng theo, dẫn đến sản phẩm từ kho đến tay người dùng cuối sẽ tăng khoảng 10%.

Ngoài ra, không chỉ nhập khẩu, mà cả xuất khẩu cũng gặp khó, nhiều khả năng doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc càng to nguy cơ lỗ càng lớn.

Doanh nghiệp trên cho biết: "Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô, nguyên liệu tinh từ thị Trung Quốc bằng USD (giá rẻ) sau đó ra thành phẩm xuất ngược trở lại. Khi đó, chúng ta xuất sang bằng USD với giá rẻ và nhận về CNY giá cao, chênh lệch tỷ giá như vậy sẽ khiến doanh nghiệp chịu lỗ".

Vị doanh nhân cũng nói thêm, việc lãi, lỗ còn phụ thuộc vào phần trăm trả bằng USD hay CNY khác nhau hay giữa các hình thức vận chuyển sang Trung Quốc. Nếu tỷ lệ phần trăm đối tác Trung Quốc trả bằng CNY cao thì doanh nghiệp Việt Nam lỗ, còn trong trường hợp trả với tỉ lệ USD lớn thì doanh nghiệp có lãi. "Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài sẽ lãi còn doanh nghiệp Việt sẽ không lãi".

Về vấn đề tỷ giá của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Capital nhận định, trong năm 2022, tỷ giá USD/VND có thể sẽ không tăng liên tục thậm chí sẽ có thời điểm giảm. Do vậy, các doanh nghiệp cần lựa chọn thời điểm hợp lý để sử dụng các công cụ phái sinh nhằm phòng ngừa hiệu quả rủi ro tỷ giá.

Ông Tuân cho biết, nếu tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp vấn đề lớn hơn trong bối cảnh các hợp đồng kinh tế có xu hướng ổn định. Với trường hợp như vậy, các doanh nghiệp phải có phương án mua ngoại tệ kỳ hạn, nhưng sẽ phải cân đối giữa chi phí kỳ hạn và đánh giá mức tăng.

"Theo quan điểm của tôi, việc lãi suất liên ngân hàng đang rục rịch tăng trở lại thì giá kỳ hạn sẽ không còn rẻ nữa. Do đó, nếu mua ngoại tệ kỳ hạn, thì doanh nghiệp sẽ phải mua sớm ngay từ bây giờ. Riêng với doanh nghiệp xuất khẩu, nếu tỷ giá USD/VND càng tăng, thì doanh nghiệp càng có lợi nên sẽ không phải quá quan ngại”, ông Tuấn chia sẻ.

500 ngàn đồng/buồng: Chuối Việt 'soán ngôi' Philippines, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc

Khánh thành cầu cao hơn 250m trên tuyến đường vượt biển dài nhất thế giới, rút ngắn cung đường giữa hai thành phố từ 2 giờ còn 25 phút

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-nhan-dan-te-tang-gia-tac-dong-the-nao-den-doanh-nghiep-viet-132247.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đồng Nhân dân tệ tăng giá tác động thế nào đến doanh nghiệp Việt?
    POWERED BY ONECMS & INTECH