VN-Index giảm gần 3 điểm sau phiên tăng gần 30 điểm trước đó. Trong phiên này, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng duy nhất qua kênh khớp lệnh với gần 566 tỷ đồng. Lực mua tăng gần 15 lần so với mức mua ròng nhẹ 36 tỷ đồng trong phiên trước đó. Ngược lại, khối ngoại, nhóm tự doanh và các tổ chức trong nước đồng loạt bán ròng.
Thống kê theo nhóm ngành, tâm điểm mua ròng tập trung ở cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này được mua ròng hơn 402 tỷ đồng, chiếm phần lớn giá trị mua ròng trong phiên. Dòng tiền cũng tìm đến nhóm công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính khi vào ròng lần lượt 68,7 tỷ đồng và 60,8 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các cá nhân trong nước bán ròng 9/18 ngành, chủ yếu tập trung tại cổ phiếu họ bất động sản ngay sau phiên mua gom với giá trị bán ròng 40,8 tỷ đồng.
Thống kê top 10 mã nhà đầu tư mua ròng mạnh nhất trong phiên 21/7, ngành ngân hàng áp đảo với 5 đại diện thuộc nhóm này.
Cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam có phiên thứ hai liên tiếp dẫn đầu chiều mua ròng. Cụ thể, cổ phiếu này được mua ròng với giá trị 144,2 tỷ đồng, tăng 16% so với phiên liền trước. MSB vừa thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay lên đến 3%/năm đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Theo sau cổ phiếu MSB, lực mua tìm đến nhiều đại diện ngành ngân hàng khác như CTG (83,9 tỷ đồng), TCB (79,7 tỷ đồng), HDB (59,8 tỷ đồng) và STB (47,9 tỷ đồng). Trong đợt công bố kết quả kinh doanh quý II/2021, những ngân hàng này đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, điển hình CTG ước tính lợi nhuận 6 tháng đạt 13.000 tỷ đồng, còn TCB báo lãi 11.500 tỷ đồng.
Cùng chiều, dòng tiền cá nhân mua ròng tại nhiều cổ phiếu thuộc rổ VN30 như FPT (68,4 tỷ đồng), VIC (40,1 tỷ đồng), MWG (33,5 tỷ đồng), VNM (31 tỷ đồng), KDH (30,7 tỷ đồng).
Tại chiều bán, cổ phiếu VHM của Vinhomes bị xả ròng 82,3 tỷ đồng ngay sau phiên mua ròng nhẹ, theo sau VRE của Vincom Retail cũng bị bán ròng 50,8 tỷ đồng. Mặc dù bị các cá nhân xả ròng, bộ đôi nhà Vingroup vẫn đóng góp lớn nhất cho chỉ số với 1,6 điểm ảnh hưởng.
Một số cái tên thuộc ngành bất động sản khác bị bán ròng là DXG (21,3 tỷ đồng) và KBC (11,1 tỷ đồng). Nhà đầu tư cá nhân cũng giảm sở hữu cổ phiếu OCB (48,8 tỷ đồng) HSG (36,2 tỷ đồng), ACB (27,9 tỷ đồng). Theo sau, nhóm này xả ròng nhẹ dưới 10 tỷ đồng các mã MSN, DGC, DGW.